Trong năm 2023, ước tính sẽ có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành để trả cổ tức cho nhà đầu tư. Phương thức này được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang phải gia tăng “bộ đệm vốn” nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II và các chuẩn cao hơn nữa.
Sôi động chia cổ tức cuối năm
BIDV vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11. Theo đó, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu BID sẽ được nhận 12,69 cổ phiếu, làm tròn xuống 12 cổ phiếu. Sau đợt chia cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng.
Cũng trong quý IV, VietinBank có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7% từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích các quỹ năm 2020. Kế hoạch tăng vốn thông qua đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận hồi tháng 10 vừa qua. Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của VietinBank dự kiến tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. |
Trước đó, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã thông báo chốt quyền nhận cổ tức như: OCB, Eximbank, VPBank, SeABank…
Ngoài những ngân hàng đã chia và thông báo ngày chốt danh sách nhận cổ tức, NHNN cũng đã có thông báo chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho Vietcombank, LPBank.
Điển hình, Vietcombank chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế và trừ các quỹ 2019, 2020.
Mặc dù trong năm nay, NHNN không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, nhưng cho tới gần đây, mới chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là VPBank, HDBank, ACB, TPBank, MB và VIB.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu dường như được các nhà băng ưu tiên lựa chọn nhằm có thêm nguồn lực gia tăng vốn điều lệ. Bởi thực tế, dù "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung vẫn đang mỏng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực.
CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan là 19,6%; Malaysia là 18,5%). Trong khi đó, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối năm 2022, CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng gốc nhà nước mới ở mức 9,04%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân có CAR cao hơn khá nhiều, đạt 12,29%. Riêng nhóm ngân hàng nước ngoài, hệ số CAR đạt 18,61%, tương đồng mức bình quân trong khu vực.
Có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ CAR giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân là do khác với khối tư nhân, việc tăng vốn điều lệ nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại nhà nước. Tốc độ tăng vốn điều lệ chậm hơn tăng trưởng tài sản trong nhiều năm khiến tỷ lệ an toàn vốn của những nhà băng này thấp hơn so với mặt bằng chung và cận kề ngưỡng tối thiểu.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đã áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, trong khi các ngân hàng của Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, thời gian qua, các ngân hàng lớn hay nhỏ đều đang đẩy mạnh hoạt động tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính tạo bộ đệm dày dặn xử lý những vấn đề, khó khăn đã, đang và sẽ còn xuất hiện theo hướng xấu hơn.
Tổng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 163.000 tỷ đồng
Thống kê cho thấy, tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm trong năm 2023 của 28 ngân hàng công bố thông tin lên tới hơn 163.000 tỷ đồng, cao hơn mức 154.000 tỷ đồng của năm 2022 (theo kế hoạch) và gấp 1,6 lần kế hoạch tăng thêm 100.000 tỷ đồng của năm 2021.
Theo NHNN, 4 ngân hàng quốc doanh hiện nắm khoảng 44% thị phần tín dụng. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ cho nhóm này là cần thiết để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa cho vay. Trong đó, Agribank là trường hợp bức thiết nhất.
Giữa năm nay, Agribank đã được Quốc hội thông qua chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tối đa 17.100 tỷ đồng, tương ứng với phần lợi nhuận còn lại của ngân hàng nộp ngân sách nhà nước trong 3 năm 2021-2023. Kế hoạch tăng vốn điều lệ cho Agribank được chia thành 2 đợt, gồm khoảng 6.750 tỷ đồng bổ sung trong năm 2023 và 10.350 tỷ đồng trong năm 2024.
Khoảng 7-8 năm qua, đây là lần thứ hai, nhóm ngân hàng quốc doanh được tăng vốn điều lệ. Lần gần nhất, nhóm này tăng vốn là năm 2021, các năm còn lại hầu hết chia cổ tức bằng tiền mặt.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn số liệu thống kê tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Agribank chỉ đạt 7%, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác như Vietcombank (9,98%), VietinBank (8,54%) và BIDV (8,4%).
Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Agribank là 34.446 tỷ đồng, cũng thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và thậm chí thấp hơn nhiều so với một số nhà băng tư nhân khác như Techcombank, MB, VPBank. "Do đó, việc bổ sung vốn cho Agribank là rất cấp thiết, giúp nhà băng 100% vốn nhà nước này đáp ứng các tỷ lệ CAR tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết, các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng trên thế giới ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Sau Basel III, Basel 3,5 đang hình thành và Basel IV đang được nghiên cứu.
Fitch Ratings cũng cho rằng Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn: "Hệ thống ngân hàng cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%".
Huyền Anh