Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 8125/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thêm tối đa 6.419 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua ngày 28/4/2023.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ trong năm 2023 với hai cấu phần.
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV thêm 6.419 tỷ đồng. |
Theo đó, BIDV sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ; thời gian thực hiện trong năm 2023. Theo đó, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng.
Phương án thứ hai là ngân hàng tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.
Hiện, vốn điều lệ của BIDV ở mức 50.585 tỷ đồng. Sau khi phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 57.004 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 12,69%.
Với phương án chào bán riêng lẻ tỷ lệ 9%, trả lời câu hỏi của cổ đông vì sao kế hoạch này được đưa ra từ rất lâu song vẫn chưa thực hiện, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết Ban lãnh đạo BIDV đã hết sức nỗ lực, tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, nhưng có điều không thuận lợi là tình hình kinh tế các nước, sự thu hẹp của khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước sẽ làm giảm sút việc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
"Tuy vậy, BIDV vẫn đang nỗ lực xúc tiến việc phát hành riêng lẻ. Hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng rất quan tâm, song BIDV chưa thể công bố tên tuổi. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Phan Đức Tú cho hay.
Đến thời điểm này, ngoài BIDV đã có công văn chấp thuận tăng vốn của NHNN, các ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 cũng đang hoàn tất thủ tục.
Trong báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng năm 2023, định hướng năm 2024 được NHNN ban hành ngày 23/10, cơ quan này trình phương án tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
Trong đó, NHNN đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn Nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Ngoài ra, NHNN đã có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021.
Đồng thời, NHNN cũng đang dự thảo văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội đối với phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018.
Thanh Hoa