Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tình trạng lạm phát toàn cầu hiện nay đều liên quan tới việc hàng hoá tăng giá chóng mặt chứ không phải lạm phát tiền tệ. Tuy nhiên, dù bất kỳ nguyên nhân nào gây ra lạm phát cũng đều tạo ra nhiều áp lực cho công tác điều hành chính sách tiền tệ trong nước. Đặc biệt, năm 2023 khi lạm phát dự báo trở nên phức tạp hơn, thì công tác điều hành chính sách tiền tệ trở thành bài toán khó.
Dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang dần thu hẹp. |
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Thực tế, từ ngày 21/6 đến nay NHNN liên tục hút tiền về. Nếu cộng với kênh bán ngoại tệ ra thị trường, ước tính, từ đầu năm đến nay, NHNN đã hút về nửa triệu tỷ đồng qua kênh bán ngoại tệ và tín phiếu.
Mặt khác, trên thị trường 1, các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo đó, việc tăng lãi suất đã trở thành xu hướng khi đã có sự “nhập cuộc” của các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh.
Một số ý kiến cho rằng, những động thái này cho thấy, NHNN đang rất thận trọng với lạm phát và có biểu hiện thu hẹp dần chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong báo cáo nhận định mới đây của HSBC Việt Nam, các chuyên gia cho rằng: "Lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV năm nay, thậm chí có lúc vượt trần 4% của NHNN. Chúng tôi tin rằng thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng".
Báo cáo vẫn giữ quan điểm về việc NHNN nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong quý III/2022 (hiệu lực từ quý IV/2022) và dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ quý IV cho đến quý III/2023. Lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,50% vào cuối quý III/2023.
Các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu lạm phát kéo dài dai dẳng, Việt Nam có thể cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Bà Era Dabla-Norris, trưởng đoàn cán bộ IMF cho rằng: “Triển vọng trong thời gian tới có nhiều rủi ro đáng kể. Các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm giảm tăng trưởng, trong khi những rủi ro lạm phát thiên về hướng làm tăng lạm phát", bà Dabla-Norris cảnh báo.
Theo bà, Việt Nam cần đưa ra các chính sách tiền tệ thận trọng trước những áp lực lạm phát đang gia tăng. "Nếu xuất hiện áp lực lạm phát dai dẳng, NHNN nên thắt chặt chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng những yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát", vị chuyên gia tại IMF nói thêm.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), áp lực lạm phát với nền kinh tế Việt Nam chưa phải quá lớn, nên lãi suất điều hành của NHNN sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng, chính sách tiền tệ chưa cần thắt chặt.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, động thái hút tiền về của NHNN thời gian qua là nhằm giảm áp lực lên tiền đồng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chứ không phải là động thái thắt chặt tiền tệ.
“NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng là chính. Nửa cuối năm nay, nếu lạm phát đi lên, NHNN có thể thực hiện kiềm chế lạm phát thông qua việc ổn định tỷ giá ngoại tệ mà không nhất thiết phải tăng lãi suất điều hành. Chính sách tiền tệ đang đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ kinh tế, các doanh nghiệp phục hồi thông qua dòng vốn tín dụng. Các doanh nghiệp hiện vẫn mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nên việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước có thể giúp mặt bằng lãi suất giảm, doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn giá rẻ”, ông Độ nói.
Thanh Hoa