Chỉ tính trong một tuần qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm tới hơn 4 điểm %, đồng nghĩa với chi phí các ngân hàng đang vay mượn lẫn nhau đã giảm tới gần 70%, một mức giảm rất đáng chú ý vào thời điểm này. Với việc liên tục giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện đã về quanh mức giao dịch thời kỳ “tiền rẻ” được duy trì suốt thời gian dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022.
Chạm mức thấp nhất 8 tháng
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng (thị trường các ngân hàng vay mượn nhau) đã giảm mạnh tại tất cả kỳ hạn.
Các ngân hàng đã vay mượn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch giữa các nhà băng) gần 184.514 tỷ đồng với lãi suất 1,55%/năm.
Lãi suất liên tục giảm, thanh khoản hệ thống đã trở nên dồi dào hơn. |
Từ mức trên 6%/năm hồi tháng 2, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam (VND) qua đêm giữa các ngân hàng đã giảm liên tục về 5%/năm, 4%/năm, 2%/năm. Trong phiên giao dịch 22/3, lãi suất qua đêm đã chính thức mất mốc 2%/năm - đánh dấu mức thấp nhất trong nửa năm trở lại đây. Lãi suất các kỳ hạn 1, 2 tuần cũng giảm về mức 1,98%/năm và 2,26%/năm từ mức gần 7%/năm.
Có thể thấy, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt nhanh chóng, với mức giảm lên tới khoảng 60% so với đầu tháng 3. Đặc biệt, sau khi NHNN quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3 với mức giảm 0,5 – 1%/năm thì lãi suất trên thị trường này càng giảm nhanh.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền về kể từ đầu tuần trước. Lãi suất các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) cũng giảm từ 6% xuống còn 5,5%, kỳ hạn được nâng lên 28 ngày.
Ngoài ra, NHNN cũng kéo dài hẳn kỳ hạn ở kênh hỗ trợ này, từ 7 ngày trước đó lên 28 ngày. Trong hoạt động ngân hàng, kỳ hạn dài hơn thường có lãi suất cao hơn, nhưng gần đây, nhà điều hành vừa giảm lãi suất vừa tạo điều kiện kỳ hạn dài hơn là tín hiệu hỗ trợ kép.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù được vay với lãi suất rẻ hơn, kỳ hạn dài hơn, nhưng lượng trúng thầu trong những phiên gần đây liên tục giảm mạnh. Thậm chí, trong phiên ngày 21/3, 5.000 tỷ đồng chào thầu đã bị “ế” khi không tổ chức nào cần hỗ trợ. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đã trở nên dồi dào hơn.
Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong thời gian gần đây. |
Hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc.
Thời kỳ "tiền đắt" sắp kết thúc?
Theo đánh giá của giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đồng nghĩa chi phí vốn sẽ rẻ hơn. Guồng quay tín dụng gia tăng, từ đó tác động tích cực nên nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán, bất động sản.
Thực tế, không chỉ trên thị trường liên ngân hàng, mà lãi suất huy động trên thị trường dân cư cũng đã có bước giảm mạnh. Dù trước đó, theo thống nhất của các nhà băng, mức lãi suất huy động tối đa là 9,5% nhưng đến thời điểm này, theo khảo sát, không còn ngân hàng nào niêm yết mức này nữa, trong khi chỉ khoảng 1 tháng trước, có khoảng trên dưới 10 nhà băng niêm yết lãi suất tối đa.
Mức lãi suất 9% cũng trở nên hiếm hoi hơn với chỉ vài ngân hàng như SCB, Ocean Bank. Các ngân hàng có mức lãi suất 8,8 – 8,9%/năm như Bao Viet Bank, Kienlongbank, VietCapitalBank…
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) vẫn là các ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường với mức tối đa áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng tại quầy chỉ còn 7,2%/năm.
"Động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra", TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhận định.
Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thời kỳ "tiền đắt" sắp kết thúc?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Nhất Việt cho rằng, việc hạ lãi suất trong thời kỳ này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dòng tiền sẽ không thể giữ ở vùng giá quá rẻ lâu như vào năm 2020 và 2021.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của mình, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank đánh giá, dù lãi suất đã giảm, song chưa thể về ngang với thời kỳ "tiền rẻ".
Hay nói cách khác, giai đoạn "tiền đắt" vẫn chưa kết thúc, do đó các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán chưa được hưởng lợi. Dự báo, trong trung hạn, năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán.
Tương tự, đối với thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù đang từng bước được tháo gỡ, song ít nhất đến năm 2024, các thị trường này mới có thể "ấm" trở lại.
Huyền Anh