Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục giữ bằng mức trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm.
Còn kỳ hạn trên 6 tháng, lãi suất huy động giảm đáng kể so với mức áp dụng hồi đầu tháng 3. Đơn cử kỳ hạn 12 tháng được niêm yết phổ biến là 8,4-8,8%/năm, giảm 0,1-0,2%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng giảm tới 0,5%/năm.
Như VPBank công bố lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn 6 tháng giảm còn 8,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm. Mức giảm đều là 0,5%/năm.
Biểu lãi suất huy động tại quầy tại BIDV giảm từ 7,4%/năm chỉ còn 7,2%/năm. |
VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với mức giảm 0,5% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức từ 8,5% - 8,8%/năm. Kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đang có lãi suất cao nhất là 8,8%/năm.
Kienlongbank là ngân hàng có biểu lãi suất niêm yết cao nhất thị trường thời gian qua thì đến hiện tại cũng đã hạ nhiệt. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của ngân hàng này giảm từ 9,3%/năm xuống 8,9%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động tiền gửi tại ngân hàng này cũng giảm từ 8,8%/năm xuống còn 8,4%/năm.
Hiện tại nhà băng đang huy động tiền gửi từ dân cư với lãi suất tiết kiệm cao nhất là VietBank. Cụ thể, với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn trên 12 tháng đang được nhà băng này huy động với lãi suất 9,3%/năm.
Tiếp theo là Saigonbank, với lãi suất tiết kiệm tối đa 9,1%/năm và tại ABBank lãi suất tiết kiệm cao nhất đạt 9,2% với hình thức gửi online. Ngoài ra, cũng còn 4 ngân hàng niêm yết mức lãi suất 9% là Bao Viet Bank, OceanBank, VietABank và SCB.
Trong khi đó, 4 "ông lớn" quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank thay vì niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất tại quầy là 7,4%/năm, nay lãi suất tiết kiệm tối đa của khối ngân hàng này chỉ còn 7,2%/năm.
Thực tế, làn sóng giảm lãi suất đã xuất hiện trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành lên tới 1 điểm % kể từ ngày 15/3.
Thống kê cho thấy, lãi suất tiền gửi đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2023 và bắt đầu giảm từ giữa tháng 2/2023. Tính đến ngày 09/03/2023, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) tư nhân là 7,5% và 7,8%, giảm lần lượt 38 điểm cơ bản và 41 điểm cơ bản từ cuối tháng 1/2023. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các NH TMCP Nhà nước là 5,8% và 7,2%, giảm 20 điểm cơ bản so với cuối tháng 1/2023.
Giới phân tích kỳ vọng, lãi suất tiền gửi sẽ giảm nhẹ cho đến hết năm 2023 do các nguyên nhân: NHNN quyết định giảm một số lãi suất điều hành chủ chốt kể từ ngày 14/03/2023, điều này sẽ góp phần giảm chi phí vốn của ngân hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng suy yếu do các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại về tiêu dùng yếu hơn.
Ngoài ra, thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Theo Tổng cục thống kê, tính đến ngày 24/02/2023 tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, mức giảm lãi suất sắp tới sẽ không lớn do lãi suất giảm mạnh có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành cho đến giữa năm nay.
Thanh Hoa