Kể từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm lãi suất huy động, riêng trong tháng 2 đã đồng thuận hạ suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Sau quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, "làn sóng” giảm lãi suất huy động của các nhà băng càng mạnh hơn.
Lãi suất huy động xuống sâu dưới “trần” 9,5%
Điển hình, ngày 20/3, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) thông báo tiếp tục giảm lãi suất huy động lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm tới nay. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức kịch trần 6%/năm, nhưng kỳ hạn 6 tháng đã rơi xuống còn 7,9%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó; kỳ hạn 7 tháng trở lên dao động từ 8 - 8,9%/năm, giảm từ 0,3 - 0,6 điểm % so với hồi đầu tháng 3.
Lãi suất huy động xuống sâu dưới “trần” 9,5% |
Hiện, mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 9%/năm đối với tiết kiệm thông thường có kỳ hạn từ 36 tháng trở lên, giảm 0,3 điểm % so với đầu tháng.
Như vậy, sau 4 lần điều chỉnh, lãi suất huy động tại Viet Capital Bank đã giảm 1 - 2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Trước đó, một loạt ngân hàng thương mại khác cũng đồng loạt công bố giảm mạnh lãi suất huy động. Tại VietABank, biểu lãi suất huy động mới công bố đã giảm tới 0,5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, dao động từ 8,5% - 8,8%/năm. Kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đang có lãi suất cao nhất là 8,8%/năm.
Cập nhật đến ngày 20/3, chỉ còn VietBank, ABBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 9,2% và 9,1%/năm; Trong khi đó, SCB, BaoVietBank, Oceanbank cùng niêm yết ở vùng 9%/năm.
Một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 9%/năm như: Bac A Bank, Saigonbank, HDBank, VPBank...
Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Hiếu nói.
Lãi suất cho vay biến động thế nào?
Với những diễn biến trên thị trường hiện nay có thể thấy mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước đang gặp thuận lợi. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phản ánh lãi suất cho vay đang ở mức rất cao.
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt hơn bắt đầu từ quý II/2023. Bởi, thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng TMCP quốc doanh thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2,0% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng được điều chỉnh giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế - vĩ mô, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Lãi suất của Việt Nam đang ở mức đỉnh nhiều năm và sẽ trên đà đi xuống, còn giảm nhanh hay chậm phụ thuộc quan điểm của nhà điều hành chính sách. Nếu thận trọng, có thể quan sát cho tới khi lạm phát của Việt Nam rõ ràng hơn vào tháng 3/2023 và đợi tín hiệu rõ ràng của việc dừng tăng lãi suất của Fed có thể vào tháng 5/2023. Lúc đó, Việt Nam có thể bắt đầu hạ lãi suất”.
Thanh Hoa