Theo các chuyên gia, nhu cầu huy động tiền gửi để hỗ trợ giải ngân tín dụng trong quý IV/2019 và đáp ứng những yêu cầu về an toàn vốn cao hơn trong năm 2020 sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.
Cuộc đua ngày càng đông
Khảo sát tại 30 ngân hàng trên thị trường cho thấy lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động 6,8 - 8,9%. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao, hầu hết các ngân hàng đều có điều kiện đi kèm.
Hiện, SHB và VietCapitalBank là hai ngân hàng có mức lãi suất cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn 12 tháng, với mức lãi 8,9%/năm. Tuy nhiên, điều kiện áp dụng mức lãi suất này ở SHB là khách hàng gửi trên 500 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ, trong khi VietCapitalBank áp dụng với các khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng.
SCB niêm yết lãi suất lên tới 8,66% và áp dụng cho khách hàng gửi ít nhất 10 tỷ đồng; lãi suất chỉ còn 8,45% với số tiền gửi dưới 1,5 tỷ đồng.
Từ ngày 10 - 31/10, NCB cho biết tất cả khách hàng mới gửi tiết kiệm tại sản phẩm Tiết kiệm An Phú với kỳ hạn 7 tháng và 11 tháng sẽ được cộng 0,2% lãi suất so với lãi suất hiện hành của NCB, lãi suất tối đa sau khi cộng là 8,5%/năm.
Trong khi đó, ABBANK áp dụng mức lãi suất huy động 8,5%, tăng từ 0,8% so với trước đó; Nam A Bank áp lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 8,3%. TPBank niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,2% với yêu cầu kèm theo là khách hàng gửi ít nhất 100 tỷ đồng và cam kết không rút trước hạn.
Cũng theo khảo sát, một số ngân hàng 100% vốn ngoại bắt đầu nhập cuộc đua lãi suất huy động. Chẳng hạn, ngân hàng có mức lãi suất cạnh tranh nhất là VRB đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng là 7,7%/năm và từ 7,1 - 7,5%/năm ở các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng. Theo sau là Public Bank và Indovina Bank với 7,6%/năm và 7,5%/ năm cho các khoản tiền gửi 12 tháng; trên 12 tháng từ 7,6 - 7,8%/năm tùy từng kỳ hạn.
Các mức lãi suất này không chỉ ở top đầu nhóm ngân hàng có yếu tố ngoại tại Việt Nam mà còn cao hơn lãi suất kỳ hạn tương đương tại khá nhiều ngân hàng nội hiện nay như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV.
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng 100% vốn ngoại đứng ngoài cuộc đua lãi suất huy động vốn trung và dài hạn dịp cuối năm. HSBC hay Standard Chartered có mức lãi suất rất thấp, lần lượt là 2,75% và 2,87%/năm, thậm chí chỉ bằng một nửa lãi suất huy động kỳ 1-3 tháng của Hong Leong Bank.
Lãi suất tiền gửi ở thị trường 1 được dự báo rất khó hạ |
Tiếp tục neo cao
Dưới góc độ của một đơn vị phân tích thị trường, công ty Chứng khoán SSI cho rằng một số ngân hàng thông báo biểu lãi suất huy động tăng cao, có thể lên đến 9% nhưng thường kèm theo các điều kiện như số tiền gửi lớn, kỳ hạn dài (24-36 tháng), chỉ áp dụng với khách hàng cá nhân…, nên đối tượng khách hàng được hưởng mức lãi suất cao không nhiều, thị phần huy động của các ngân hàng thương mại đó cũng khá nhỏ nên diễn biến này không mang tính đại diện.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của SSI, nhu cầu huy động cao để tài trợ tín dụng mùa cao điểm cuối năm và đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khiến cho lãi suất các kỳ hạn dài khó giảm, đồng thời sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, nới rộng thêm mức giãn cách lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng.
Theo ước tính, so với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã tăng khoảng 0,4%.
Lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận việc tăng lãi suất trong tháng 10 là nhằm thu hút khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để gia tăng nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh các tháng cuối năm. Đồng thời giúp ngân hàng có thêm vốn để đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo định hướng của NHNN.
Về phía cơ quan quản lý, trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN nhận định lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng nhẹ trong bối cảnh các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn ngắn tương đối ổn định, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp so với thị trường.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh về động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng ngoại, một chuyên gia cho rằng lãi suất huy động của các ngân hàng ngoại hiện vẫn thấp hơn khá nhiều so với các ngân hàng nội. Điều này là dễ hiểu bởi các ngân hàng ngoại có nguồn lực tốt, không bị áp lực về nguồn vốn trung và dài hạn như ngân hàng nội. Ngoài ra, chiến lược của các ngân hàng ngoại không quá chú trọng cạnh tranh về giá mà tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng, khi mục tiêu của họ chủ yếu là nhóm khách hàng có thu nhập cao và quan tâm đến chất lượng dịch vụ nhiều hơn là lãi suất.
Hoàng Hà