Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2019, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% khá nặng nề. Khi lạm phát tăng, tỷ giá tăng sẽ là áp lực khiến lãi suất huy động rất khó giảm so với năm 2018.
Hiện tại, mức lãi suất tại các ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có sự chênh lệch đáng kể.
Nơi tăng, chỗ giảm
Các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ đang đẩy mạnh huy động vốn bằng việc tung ra các chương trình khuyến mãi và tặng lãi suất.
Sau Tết, VietCapitalBank là ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất huy động cao nhất, lên đến 8,7%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng. Còn với NCB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng đang áp dụng lên tới 8,5%.
Bac A Bank, BaoVietBank, GPBank cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động khá cao, lần lượt là 8,4%/năm, 8,2%/năm và trên 8%/năm cho kỳ hạn dài.
Các ngân hàng tầm trung như: Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB… cũng đang điều chỉnh tăng mạnh lãi suất đầu kể từ đầu tháng 2. Theo đó, từ ngày 11/2/2019, Techcombank áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,3% thay vì mức 6% trước đó. Kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng áp dụng lãi suất 6 – 6,1%/năm trong khi biểu lãi suất triển khai trước Tết là 5,8 – 5,9%/năm.
Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng này, một số ngân hàng lại công bố giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn, từ ngày 22/1, BIDV giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn 5 tháng từ mức trần quy định (5,5%/ năm) xuống còn 5,2%/ năm, các kỳ hạn khác vẫn được giữ nguyên. VietinBank giảm 0,3 điểm phần trăm ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng về còn lần lượt 5,5%/ năm và 6,8%/năm.
Cũng từ ngày 22/1, VPBank điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng cho đến 15 tháng với mức giảm 0,2 – 0,4%/năm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm thường của kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng hiện là 7%, giảm 0,2%. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 7,05%; lãi suất kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng là 7,2-7,4%, đều giảm 0,2% so với trước đó.
Sau Tết, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi |
Lãi suất khó giảm
Dù có sự điều chỉnh trái chiều về lãi suất huy động giữa các ngân hàng, song không phải là xu hướng thị trường.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện nay, lãi suất huy động bằng VND vẫn ổn định, phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
Các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giảm lãi suất ở một số ngân hàng như BIDV, VPBank… có thể chỉ nhằm cơ cấu lại cho phù hợp nhu cầu vốn, chưa phản ánh được xu hướng của lãi suất huy động sắp tới.
Trên thực tế, mức lãi suất tiền gửi liên tục được các ngân hàng điều chỉnh từ thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Thời điểm trước Tết, nhu cầu vốn trong nền kinh tế ở mức cao, chưa kể đây là dịp doanh nghiệp rút tiền ra chi trả lương thưởng, còn người dân thì cần dùng nhiều tiền mua sắm Tết khiến thanh khoản ở một số ngân hàng sụt giảm, nên sau Tết, các ngân hàng tích cực huy động tiền gửi để cân đối nguồn.
Ngoài ra, theo quy định của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã giảm xuống 40% từ đầu năm nay và dự kiến lộ trình còn giảm tiếp trong thời gian tới cũng là áp lực lớn khiến các ngân hàng phải tăng huy động ở kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi đáp ứng tiêu chí an toàn vốn theo quy định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sau Tết, thông thường người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm cao vì trước và trong Tết có nguồn thu nhập khá dồi dào. Việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động là để kéo khách, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong cộng đồng.
"Thời điểm này là cơ hội để các ngân hàng củng cố lại nguồn vốn, chuẩn bị cho năm tài chính mới bắt đầu", một chuyên gia nhận định.
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lãi suất huy động sẽ khó giảm trong thời gian tới. Vì vậy, năm 2019, gửi tiền tiết kiệm sẽ là một kênh an toàn và hiệu quả cho những nhà đầu tư có số vốn không lớn.
Thời điểm này, các ngân hàng đều đang an toàn, vì thế không cần lựa chọn ngân hàng uy tín mà hãy chọn ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao nhất để gửi tiết kiệm.
Một số chuyên gia cũng đưa ra nhận định, lãi suất huy động sẽ khó giảm sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2019 dù hồi đầu năm, một số ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay nhưng cũng chỉ dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản… sẽ khó nhận được sự ưu ái này.
Hoàng Hà