Tại các ngân hàng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm trong những ngày đầu tháng 6 tại nhiều ngân hàng cổ phần.
Mới đây nhất, ngày 7/6, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy đối với khoản tiền trên 10 tỷ đồng trở lên là 7,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng 7,6%/năm và khách gửi kỳ hạn 10-13 tháng lãi suất 7,3%/năm trong khi nếu gửi từ 15 tháng lãi suất giảm còn 6,5%/năm.
Mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 7,6%/năm, đã giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 5.
Đây là đợt giảm lãi suất lần thứ hai của VPBank trong quý II/2023. Mức lãi suất này đã giảm 0,2 - 0,7 điểm % so với mức trong tháng 5. Nếu khách gửi tiết kiệm online tại VPBank, lãi suất cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với gửi tại quầy.
Trong quý II, VPBank có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, theo đó mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 7,6%/năm. |
Cũng trong ngày 7/6, SCB đồng loạt giảm 0,4 - 0,45 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất được SCB áp dụng chỉ còn 7,45%/năm, dành cho kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn 13 - 36 tháng giảm về còn 7,25 - 7,35%/năm. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, ngân hàng này điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Cũng trong đầu tháng 6 hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn và sản phẩm như: Techcombank ghi nhận giảm nhẹ 0,5 - 0,7 điểm % so với tháng trước; khung lãi suất huy động mới của ACB được điều chỉnh giảm 0,3 - 1 điểm % so với tháng trước. Tương tự, OCB, Eximbank, VietABank, Shinhan Bank, Kienlongbank, OceanBank cũng đồng loạt giảm so với đầu tháng 5.
Trong báo cáo vừa phát hành công ty chứng khoán VnDirect cho biết, trong tháng 5, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt là 57 điểm cơ bản và 29 điểm cơ bản; trong khi lãi suất bình quân cùng kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm lần lượt 80 điểm cơ bản và 40 điểm cơ bản, dao động từ 6,6%/năm đến 8,2%/năm.
Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng giảm, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng này cho kỳ hạn trên 6 tháng.
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website ngân hàng ngày 9/9 cho thấy, chỉ còn 10 trong số 34 ngân hàng được thống kê còn áp dụng mức lãi suất huy động trên 8%/năm.
Trong đó, tại kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn một số ngân hàng niêm yết lãi suất trên mức 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là GPBank (8,6%), ABBank (8,3%), VIB (8,2%), PVComBank (8,2%), NCB (8,1%), BaoVietBank (8,1%)... Nhóm Big 4 hiện niêm yết lãi suất ở mức 6,8%; còn mức lãi suất 7,2-7,5% cho nhóm NHTM cổ phần lớn và 7,8 – 8,8% cho nhóm NHTM cổ phần còn lại.
Tuy nhiên, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, mỗi ngân hàng có những điều kiện khác nhau như: hình thức gửi trực tuyến, có số tiền gửi bằng hoặc lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
VnDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên 3 yếu tố: Đầu tiên là nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm, tiếp đến là Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Yếu tố thứ 3 là NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.
Còn theo ghi nhận của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vào cuối tháng 5, lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 0,8-1 điểm % tuỳ từng kỳ hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) vừa và nhỏ lên tới 1,5-1,8 điểm %.
Các chuyên gia cho rằng, đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động. Như vậy, có thể kỳ vọng giai đoạn tới đây mặc dù có độ trễ, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đặc biệt trong các tháng cuối năm.
Thanh Hoa