Trong khi đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, Việt Nam lại tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay.
Cụ thể, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ hôm nay (25/5), lãi suất tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ chính thức giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Vì đi ngược xu hướng chung trên thế giới, nên không ít quan điểm cho rằng chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều dư địa mở rộng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề lãi suất cao đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đã có một số hỗ trợ về lãi suất lẫn tài chính, song vẫn chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, dư địa để nhà điều hành tiếp tục sử dụng được công cụ chính sách tiền tệ vẫn còn. |
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, dư địa để nhà điều hành tiếp tục sử dụng được công cụ chính sách tiền tệ vẫn còn.
Cụ thể, hiện nay, bên ngoài nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang gia tăng, thị trường kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2023.
Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Đồng thời, hiện nay, các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã giảm 0,34% so với tháng trước.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam khác với các nước khi lạm phát đang giảm và ở mức khá thấp, tỷ giá ổn định. “Do đó, chúng ta còn dư địa giảm lãi suất điều hành nhưng cũng cần xem xét tình hình lạm phát, khả năng các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế”, ông Lực nói.
Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng, trong thời gian tới, trong bối cảnh áp lực tỷ giá không còn nữa và lạm phát đã quay trở lại trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện thêm việc giảm lãi suất để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group, với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5-5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn và NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng.
Tuy nhiên, ông Báu cũng cho rằng, xét về mặt hiệu quả tổng thể, để cân đối giữa tăng trưởng kinh tế, ổn định lạm phát và kiểm soát tốt tỷ giá thì dư địa thực tế của Việt Nam lúc này cũng không còn nhiều.
"Bối cảnh cung tiền yếu như hiện nay, việc cố gắng chạy theo giảm lãi suất nhanh chóng so với xu hướng toàn cầu trong khi tỷ giá hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số có thể phát sinh những rủi ro đảo ngược dòng vốn và gây ra những hệ lụy kép với kinh tế Việt Nam", ông Báu nói.
Thanh Hoa