Lãi suất huy động tiếp tục tăng trong thời gian tới là dự báo chung của nhiều công ty chứng khoán. Theo SSI Research, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5-0,7% nếu hạn mức tín dụng được nới. Lãi suất tiết kiệm cả năm có thể tăng 1-1,5%.
Vẫn xu hướng tăng
Theo khảo sát tại biểu lãi suất mới nhất tháng 8/2022 của 16 ngân hàng, cho thấy xu hướng tăng so với tháng trước từ 0,1 – 0,65%/năm. Hiện tại, mức lãi suất dao động từ 3,1 - 8,8%/năm, tuỳ từng kỳ hạn.
Ở khối NHTM cổ phần, nhìn chung các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn chủ chốt, với biên độ tăng từ 0,1 – 0,65%. Đơn cử: VPBank điều chỉnh tăng 0,4% ở kỳ hạn 6 tháng, đưa lãi suất huy động kỳ hạn này lên 5,2%/năm. Hay Techcombank đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn được khảo sát (3, 6, 12, 24 tháng), với mức tăng từ 0,1 – 0,5%. Trong đó kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh tăng tới 0,5% đưa lãi suất huy động tại kỳ hạn này lên mức 5,25%.
Lãi suất huy động cao nhất tại 16 ngân hàng trong tháng 8/2022 |
MB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn với mức điều chỉnh tăng từ 0,18 – 0,43%; trong đó kỳ hạn 6 tháng điều chỉnh tăng tới 0,43%, qua đó đưa lãi suất tăng lên 4,87%/năm.
Các ngân hàng khác như: ABBank, ACB, Sacombank... cũng đã có thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng 0,5% ở một số kỳ hạn.
Đáng lưu ý, việc các ngân hàng quốc doanh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm sau thời gian dài cũng khiến tình hình thêm nóng lên. Cụ thể, từ ngày 1/8, Vietcombank đã có sự thay đổi biểu lãi suất. Cụ thể, Vietcombank đã điều chỉnh tăng thêm 0,1% ở các kỳ hạn như: 3 tháng, 12 tháng, 24 tháng… Hiện, lãi suất tiết kiệm 12 tháng và 24 tháng của Vietcombank đều ở mức 5,6%/năm.
So với tháng trước, lãi suất tiết kiệm 12 tháng toàn thị trường tăng 9 điểm cơ bản lên bình quân 6,16% tại quầy - mức tăng mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất gửi online nhích thêm 3 điểm cơ bản, lên 6,37%.
Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7% bao gồm: SCB (7,6%), Kienlongbank (7,3%); Techcombank (7,1%). Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi này khách hàng phải gửi kỳ hạn từ 13 tháng, với khoản tiền từ vài chục tỷ đồng trở lên.
Đặc biệt Biểu lãi suất huy động của ABBank xuất hiện mức lãi suất lên tới 8,8% kỳ hạn 13 tháng – đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank. Trước đó, vào đầu tháng 7/2022, lãi suất này được ngân hàng niêm yết tại mức 8,3%/năm – thấp hơn 0,5 điểm% so với biểu lãi suất hiện tại.
Một số ngân hàng niêm yết biểu lãi suất tiết kiệm dưới 7% bao gồm: LienVietpostbank (6,99%), SHB (6,95%), ACB (6,8%), OCB (6,75%), VIB (6,5%), TPBank (6,5%), MB (6,4%), STB (6,3%).
Dòng tiền sẽ chảy mạnh vào “túi” ngân hàng
Theo giới phân tích, mức biến động của lãi suất ngân hàng trong thời gian qua đã giúp dòng tiền dịch chuyển nhanh vào “túi” ngân hàng.
Theo khảo sát của VnBusiness, trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi tăng. Chẳng hạn, tiền gửi khách hàng tại VPBank tính đến 30/6 vừa qua đã ghi nhận mức tăng gần 22% so với đầu năm; tại VIB tiền gửi khách hàng đã tăng trưởng gần 14%, TPBank tăng 12%, Bản Việt tăng trên 10%...
Trong khi đó, một số “ông lớn” ghi nhận lượng tiền gửi tăng ít hơn như: cuối quý II/2022, Vietcombank đã thu hút được gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 5%; lượng tiền gửi khách hàng tại Sacombank là hơn 456 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7%. Techcombank thu hút được hơn 321 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 2% trong 6 tháng đầu năm…
Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5% để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm nay. Con số trên được đưa ra trên giả định các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, chính sách áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo Thông tư 04/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 8 cũng được xem là "cú hích" giúp người gửi tiền có thêm phần lợi.
Cụ thể, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn (thường không quá 0,1%/năm), phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Trong khi quy định trước đây, khách hàng khi có nhu cầu vốn đột xuất mà rút trước hạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn.
Hiện, đã có một số ngân hàng thương mại công bố triển khai tính năng rút trước hạn một phần tiền gửi theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước như VietABank, SCB.
Đại diện các ngân hàng cho hay, Thông tư 04 thực sự đã "cởi trói" cho các ngân hàng cũng như người gửi tiền. Các ngân hàng trên hệ thống sẽ thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn, đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi và trên hết, khách hàng được tối đa hóa lợi nhuận có được từ nguồn vốn nhàn rỗi.
Huyền Anh