Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu huy động vốn tăng tương ứng khá cao khoảng 10-20%, thậm chí lên tới 30%. Đây có thể là lý do khiến lãi suất huy động liên tục tăng thời gian gần đây, nhằm thu hút người dân gửi tiền trở lại hệ thống.
Cuộc đua ngày càng đông
Nửa cuối tháng 4, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với cả tiền gửi tại quầy lẫn tiền gửi online.
Lãi suất huy động trên thị trường đang thiết lập mặt bằng mới. |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 15/4 tại nhiều kỳ hạn dành cho khách hàng cá nhân với mức tăng từ 0,2 điểm % đến 0,8 điểm %.
Sau khi điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank được niêm yết tại mức 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 36 tháng.
Đặc biệt, nhóm khách hàng ưu tiên của VPBank khi gửi tiền từ 100 triệu đồng trở lên còn được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm. Như vậy, lãi suất cao nhất tại VPBank có thể lên đến 7%/năm.
Cũng trong tháng 4, hàng loạt ngân hàng khác cũng tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Đơn cử như: MB tăng 0,2%/năm; NamABank tăng thêm 0,3%/năm; OCB tăng từ 0,2% - 0,6%/năm…
Hiện tại, khá nhiều ngân hàng có lãi suất khá cao trên 7% như: Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm...
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
So sánh mức lãi suất huy động giữa các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) với ngân hàng tư nhân đang có sự chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank chỉ 4%/năm, trong khi VPBank lên tới 5,8%/năm và thậm chí những ngân hàng như SCB, NamABank lên tới 6,5-6,6%/năm.
Nguyên nhân là do gần nửa năm qua, nhóm lãi suất huy động của nhóm “Big 4” vẫn đứng im, trong khi các ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh.
Theo báo cáo vĩ mô mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử trong năm 2022 do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Công ty chứng khoán kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % vào năm 2022. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9- 6,1%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Hai tác nhân làm tăng lãi vay
Giới chuyên môn cho rằng, diễn biến lãi suất huy động tăng do tác động từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nền kinh tế có những khởi sắc, khôi phục một cách rất tích cực, nên nhu cầu vốn lúc này khá cao. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng quý I/2022 tăng 5,04% - mức tăng khá cao so với mấy năm vừa qua và tăng gấp 4 lần mức tăng quý I/2021 (tăng 1,26%).
Điều này phần nào giải thích cho việc thanh khoản hệ thống có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua. Thể hiện rõ nhất ở chỉ báo lãi suất VND liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức cao hơn gấp 3 - 5 lần so với năm trước. Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm ngày 15/4 ở mức 2,11%/năm, 1 tuần: 2,17%/năm, 2 tuần: 2,52%/năm, 1 tháng: 2,51%/năm, 3 tháng: 2,74%/năm, 6 tháng: 3,82%/năm. Doanh số giao dịch của các ngân hàng cũng tăng mạnh, như kỳ hạn qua đêm lên 183.649 tỷ đồng, 1 tuần lên 15.847 tỷ đồng, 1 tháng lên 5.689 tỷ đồng…
Thứ hai, nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc trong bối cảnh áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, việc giữ nguyên mục tiêu dưới 4% hiện nay tương đối khó khăn. Thậm chí, đã có những nhận định cho rằng vào những tháng cuối năm, trong kịch bản xấu, lạm phát thậm chí có thể lên đến 7%.
Bên cạnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn. Khi lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương thì mới có thể hút dòng tiền nhàn rỗi của cư dân.
Huyền Anh