Lãi suất huy động ghi nhận xu hướng tăng trở lại kể từ cuối năm ngoái và giữ ổn định từ giữa tháng 2/2022. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 3, một số ngân hàng rục rịch điều chỉnh lãi suất.
Điển hình, BacABank vừa tăng nhẹ 0,1%/năm đối lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên 6,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên 6,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng cũng lên mức 6,1%/năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này không đổi, vẫn giữ ở mức 6,8%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi tiền kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Lãi suất huy động đang nhích lên ở một số ngân hàng. |
Nửa cuối tháng 3, OCB cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy và gửi online, với loạt kỳ hạn gửi tiền từ 6 tháng trở lên.
Cụ thể, ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất 5,4%/năm thay vì 5,2%/năm như trước đó cho kỳ hạn từ 6 tháng; gửi từ 9 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất cũng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm. Với khách hàng gửi tiết kiệm online, mức lãi suất dao động từ 4,9 - 6,3%/năm, tuỳ từng kỳ hạn.
Còn tại MSB, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3%/năm lên 5,8%/năm, kỳ hạn 3 tháng cũng tăng 0,2%/năm lên 4%/năm.
Nhìn chung trong hệ thống ngân hàng, lãi suất huy động cao nhất ổn định so với thời điểm đầu tháng 3. Cao nhất là 7,6%/năm tại SCB, tiếp đến là 7,1%/năm tại Techcombank và 7%/năm tại MSB; 6,99%/năm tại LienVietPostBank; 6,9%/năm tại MB…
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn nhau ở các kỳ hạn ngắn đã duy trì trên 2%/năm trong 8 tuần liên tiếp. Cụ thể, tính đến ngày 24/3, lãi suất cho vay qua đêm ở mức 2,18%/năm, 1 tuần ở mức 2,30%/năm, 1 tháng ở mức 2,68%/năm…, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, tăng gấp 5-6 lần so với cùng thời điểm năm 2021.
Mặc dù tăng lãi suất huy động, nhưng các ngân hàng khẳng định thanh khoản của hệ thống thời điểm này cơ bản là tốt, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khá rõ ràng, dứt khoát nên nguồn vốn của ngân hàng thương mại chưa bị áp lực phải tăng lãi suất huy động lên cao hơn. Do đó, động thái tăng lãi suất ở một số ngân hàng vừa qua là chiến lược cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau. Mặt khác, gần đây tiền chảy qua một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…, buộc một số ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất để hút vốn.
Số liệu công bố mới đây của NHNN cho thấy, tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng trong tháng 1 đã bật tăng khá mạnh lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, tiền gửi của người dân đã tăng vọt hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 1, tương đương tăng 1,95%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của tiền gửi dân cư trong 10 tháng trở lại đây.
Về những ý kiến lo ngại biến động của lãi suất huy động sẽ kéo lãi vay tăng trong thời gian tới, các ngân hàng khẳng định: Lãi suất cho vay sẽ đứng yên, vì NHNN khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
"Tôi cho rằng NHNN vẫn sẽ thận trọng quản lý tốc độ tăng tín dụng của ngân hàng thương mại dưới rủi ro lạm phát. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tăng nhưng chưa nóng và bản thân các ngân hàng cũng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý, hoạt động để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Do đó, lãi suất cho vay chưa bị áp lực đẩy tăng lên", lãnh đạo một ngân hàng cho hay.
Trong kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, vừa được ban hành, NHNN cho biết, định hướng của NHNN là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Trong khi đó, các chuyên gia của một số công ty phân tích thị trường cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm từ 0,2 - 0,25%. Chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vì thế cũng sẽ được cải thiện.
Thanh Hoa