Trong tuần trước, quan sát của các chuyên gia SSI Research cho thấy, lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn (MB và Techcombank), với mức tăng 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng.
Còn theo khảo sát của VnBusiness, lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân trong tháng 3 ở một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ. Ví dụ, VIB tăng 0,01 điểm điểm phần trăm, từ mức cao nhất là 6,19%/năm lên 6,20%/năm.
Mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát. |
Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường dao động trong vùng từ 5,5%/năm đến 7,1%/năm tuỳ từng ngân hàng. Trong đó, SCB dẫn đầu với mức lãi suất 7,6%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền 500 tỷ đồng cho kỳ hạn 13 tháng.
Tiếp đến là Techcombank với mức 7,1%/năm, với điều kiện khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng. Liền sau là ngân hàng MSB với mức ấn định 7%/năm và điều kiện số tiền gửi áp dụng từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.
Các chuyên gia SSI Research nhận định: "Nhìn chung, tăng trưởng huy động vốn đã cải thiện so với giai đoạn nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa hồi phục về mức tăng trưởng trước dịch, phản ánh môi trường lãi suất thấp đã và đang được duy trì trong 2 năm trở lại đây".
Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi và lạm phát. “Chúng tôi kỳ vọng huy động vốn có thể tăng trong thời gian tới do xu hướng tăng của lãi suất huy động có khả năng thu hút lượng tiền gửi lớn hơn”, nhóm chuyên gia SSI Research nhận định.
Đồng tình, các chuyên gia đều cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động chưa phải hoàn toàn hết. Thời gian tới, khả năng lạm phát của Việt Nam tăng là rất lớn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu. Áp lực này sẽ khiến ngân hàng tăng lãi suất huy động, duy trì mức lãi suất thực dương để hút lượng tiền từ thị trường.
Cũng theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng sẽ tăng bình quân 2,6% trong quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. Trong đó, 95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022, chỉ có 3% dự báo duy trì ổn định và 2% TCTD dự báo huy động vốn tăng trưởng âm trong năm 2022.
NHNN thông báo tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/2 đạt 2,52% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 1,82% được Chính phủ công bố trong cuộc họp thường kỳ tháng 2 trước đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay, tương đương giảm 23 nghìn tỷ đồng.
Đáng lưu ý, dù tăng trưởng huy động vốn đã được cải thiện so với thời điểm trước đó, song số liệu công bố của NHNN cho thấy, huy động vốn vẫn tiếp tục tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đến 25/2, huy động vốn tăng 1,29% (VND tăng 1,30%, ngoại tệ tăng 1,24%) so với cuối năm 2021.
Trong tuần trước, NHNN bơm 1.019 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, trong khi đó có 968 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Nhờ vậy, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành được nâng lên gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,25% (giảm 12 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần 2,38% (giảm 1 điểm cơ bản). Các kỳ hạn dài hơn gần như không có nhiều thay đổi, dao động từ 2,42% đến 2,61%.
Thanh Hoa