Một số công ty phân tích thị trường vừa đưa ra dự báo về tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục có sự phân hoá trong quý II/2023, trong đó nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, còn nhóm ngân hàng cổ phần có sự phân hoá mạnh mẽ.
Ngân hàng không đạt kỳ vọng lợi nhuận
Trong bức tranh lợi nhuận quý I/2023 có phần chậm lại, các chuyên gia kỳ vọng quý II, ngành ngân hàng sẽ xuất hiện những điểm sáng về tăng trưởng nhờ lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng kỳ vọng sẽ dần cải thiện.
Một chuyên gia lập luận rằng, lãi suất điều hành giảm, đi kèm với những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng trên nhiều khía cạnh.
Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục có sự phân hoá trong quý II/2023. |
Cụ thể, lãi suất điều hành đi xuống sẽ giúp giảm chi phí vốn liên ngân hàng, đồng thời tác động tích cực đến tâm lý toàn nền kinh tế và giảm kỳ vọng lãi suất huy động đầu vào của toàn hệ thống.
“Tuy nhiên, việc ngân hàng nào hưởng lợi, sớm hay muộn, nhiều hay ít sẽ còn phụ thuộc vào cấu trúc kỳ hạn và phân bổ tài sản. Trong thời gian tới sẽ có sự phân hóa rõ nét về lợi nhuận giữa các ngân hàng”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/6/2023 đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm.
Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý II/2023 vừa được Vụ Dự báo Thống kê của NHNN công bố cho thấy, các TCTD đánh giá dù tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 tiếp tục “cải thiện”, nhưng chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Các TCTD điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các TCTD, trong quý II, nhân tố khách quan “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” và nhân tố chủ quan “Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” được các TCTD đánh giá là hai nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của các ngân hàng và dự kiến trong cả năm 2023, sau đó mới đến các nhân tố phổ biến ở các kỳ điều tra trước như “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”, “Chính sách và năng lực quản trị rủi ro của đơn vị”.
Trong khi đó, “Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố có thể tác động tiêu cực nhất tới tình hình kinh doanh của TCTD trong quý II/2023 và dự kiến cả năm 2023.
Lợi nhuận tiếp tục phân hóa giữa các ngân hàng
Liên quan đến vấn đề lợi nhuận của các nhà băng, Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp và hơn 10 ngân hàng niêm yết có sự phân hoá.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, các chuyên gia cho rằng lợi nhuận các ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong quý II trong khoảng từ 3-7%.
Cụ thể, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của Vietcombank đạt khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ). Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% so với đầu năm (cuối quý I mức tăng trưởng đạt 2,5%) khi ngân hàng tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới, trong khi tăng trưởng huy động duy trì ổn định (tăng 6% so với đầu năm). Chất lượng tài sản dự báo tiếp tục được duy trì.
Tại BIDV, dự báo lãi trước thuế quý II đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 lần lượt đạt khoảng 6,9% và 4,5% so với đầu năm. Chất lượng tài sản dự báo được kiểm soát quanh mức 1,4-1,5% và NIM có thể đi ngang so với quý trước (nhưng vẫn thấp hơn quý II/2022).
Với VietinBank, mức lợi nhuận ước tính là khoảng 6.200 - 6.500 tỷ đồng, tăng 7 - 13% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 6,6% và 4,9% so với đầu năm.
Trong nhóm ngân hàng cổ phần lớn, tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hoá rõ. SSI dự báo lợi nhuận các ngân hàng HDBank, Sacombank, VIB ghi nhận tăng trưởng; MB đi ngang và lợi nhuận của ACB, Techcombank, TPBank sụt giảm.
Cụ thể, với HDBank, SSI dự kiến ngân hàng vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm vào cuối quý II. Lợi nhuận trước thuế quý II dự kiến đạt khoảng 2.800 - 3.100 tỷ đồng (tăng khoảng 1% - 12% so với cùng kỳ).
Với Sacombank, SSI kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II do biên lãi ròng (NIM) trở về mức bình thường và tăng trưởng tín dụng đạt mức 5% so với đầu năm. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Sacombank có thể đạt quanh mức 2.000 - 2.300 tỷ đồng (tăng khoảng 53% - 76% so với cùng kỳ), hoàn thành 46% - 50% kế hoạch đặt ra tại đại hội cổ đông.
Nhóm các ngân hàng được dự báo lợi nhuận giảm gồm: Techcombank sẽ đạt khoảng 5.500 - 5.800 tỷ đồng trong quý II, giảm 20% so với cùng kỳ; TPBank dự kiến đạt 1.600 - 1.7000 tỷ đồng (giảm khoảng 25% đến 21% so với cùng kỳ), qua đó hoàn thành 40% kế hoạch đặt ra tại đại hội cổ đông; ACB sẽ đạt khoảng 4.400 - 4.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm khoảng 10% đến 4% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 48% - 50% kế hoạch đặt ra.
Bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2023 - 2024, thay vì mức 32% của năm 2022. Nguyên nhân do khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại, thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, NIM thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng. Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh 80% thu nhập của nhà băng tới từ tín dụng.
Huyền Anh