Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, như SHB, Eximbank, VietinBank, Vietcombank, BacABank, VietBank, HDBank, OCB, KienLongBank, VietABank, Saigonbank, BIDV… đều đã lên lịch tổ chức ĐHĐCĐ trong tháng 4 này.
Lộ diện nhiều ngân hàng tăng vốn “khủng”
Năm nay, VIB là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ sớm nhất vào ngày 15/3. Một trong những kế hoạch nổi bật của nhà băng này là tăng vốn điều lệ thêm 20,36%, lên 25.368 tỷ đồng. Cụ thể, với kế hoạch chi 35% cổ tức cho cổ đông, với mức tối đa 15% cổ tức tiền mặt, 20% cổ phiếu thưởng.
VIB dự kiến phát hành 421.5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 20%, vốn điều lệ tăng thêm tối đa 4.215 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng dự kiến phát hành tối đa 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,36%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tối đa 76 tỷ đồng.
NCB vừa tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023 với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 20,36%, lên 25.368 tỷ đồng. |
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, VIB dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản; 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.
Sau VIB, Nam A Bank cũng đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ, theo đó Đại hội đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ… nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn để đồng hành cùng Ngân hàng mở rộng và phát triển kinh doanh, mang lại giá trị lâu dài và bền vững.
Tại ĐHĐCĐ được tổ chức ngày 8/4, HĐQT NCB trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và tăng vốn điều lệ lên gấp hơn 2 lần. Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành tối đa 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương quy mô 111% vốn điều lệ của NCB. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.200 tỷ đồng. Vốn điều lệ của NCB sau khi hoàn tất phương án tăng vốn là 11.801 tỷ đồng. Thời gian dự kiến từ nay đến năm 2025.
Theo lãnh đạo NCB, việc tăng vốn là cần thiết để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính và các chỉ số đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; mở rộng hoạt động kinh doanh; đầu tư thay đổi hình ảnh nhận diện thương hiệu, đầu tư công nghệ thúc đẩy ngân hàng số…
Ngoài ra, hàng loạt các ngân hàng cũng đã công bố tài liệu dự thảo cho cuộc họp ĐHĐCĐ trong tháng này với kế hoạch tăng vốn điều lệ khủng như: Eximbank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Thách thức lợi nhuận, nợ xấu gia tăng
Ngoài vấn đề tăng vốn, giới chuyên môn nhận định, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là một trong những vấn đề được cổ đông của các ngân hàng đặc biệt quan tâm. Hiện tại, kế hoạch tăng trưởng được các ngân hàng đề ra khá “khiêm tốn” so với mức tăng trưởng năm ngoái. Đa phần các ngân hàng chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 10 - 15%, trong khi năm 2022, tăng trưởng bình quân của 28 ngân hàng lên tới gần 34%. Thậm chí, năm nay, Techcombank còn đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 14% so với năm ngoái.
Điển hình, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ tăng 5-6% so với kết quả đạt được trong năm 2022; trong khi năm trước mục tiêu này ghi nhận mức tăng trưởng hơn 26%. VIB dự báo lợi nhuận năm nay chỉ tăng 15% (năm 2022 tăng 32%); Eximbank dù đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay khá cao so với các ngân hàng khác (34,8%), song thấp hơn nhiều kết quả đạt được năm 2022 (tăng 207%)…
Hay như tại NCB, trong năm 2023, NCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại năm 2023 đạt 16 tỷ đồng. Trong năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 309 tỷ đồng. Tuy nhiên theo cam kết với NHNN, NCB sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt.
Theo các chuyên gia, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn còn do nguyên nhân đến từ dự báo nợ xấu có nguy cơ gia tăng, chất lượng tài sản giảm sút do “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp đang suy kiệt. Theo đó, các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, điều này làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, năm nay nhiều ngân hàng sẽ phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.
Giới phân tích dự báo, nợ xấu cũng là là nội dung dự kiến được nhiều cổ đông chất vấn các lãnh đạo ngân hàng trong mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhất là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp lớn.
Huyền Anh