Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mỗi ngày nhận được hàng trăm công văn, đơn đề nghị được giảm lãi suất, cơ cấu nợ, khoanh nợ từ doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp còn chút “kháng cự” thì xin giảm từ 1-2%/năm, doanh nghiệp “hấp hối” xin giảm... từ 3-5%/năm. Khối lượng đơn tồn đọng chưa thể giải quyết lên đến con số hàng nghìn.
Khó giảm lãi suất như kỳ vọng
Tính trung bình, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 đã giảm từ 1,2 - 1,5% so với năm trước; 7 tháng đầu năm 2021, mức lãi suất giảm thêm 0,5% nữa, hiện lãi suất cho vay kỳ hạn dài chỉ còn 10 - 11%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này thực tế vẫn còn khá cao trong bối cảnh kinh doanh ngừng trệ. Vì vậy, kiến nghị giảm lãi suất cho vay phù để hợp với “sức khoẻ” của thành viên liên tục được các hiệp hội doanh nghiệp đưa ra trong thời gian gần đây.
Đề xuất giảm lãi suất từ 3 - 5%/năm dành cho các doanh nghiệp sẽ khó khả thi trong bối cảnh hiện nay. |
Dù vậy, không ít ý kiến cho rằng, đề xuất giảm lãi suất từ 3 - 5%/năm dành cho các doanh nghiệp sẽ khó khả thi trong bối cảnh hiện nay, nếu không nói là không khả thi.
Làm một phép tính đơn giản, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài bình quân trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 7%, sau khi trừ lạm phát cả năm khoảng 4%, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ là 3%. Để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, nếu giảm thêm từ 3 - 5% sẽ đưa lãi suất thực về âm.
“Khi lãi suất thực âm, người dân sẽ không gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, ngân hàng sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", doanh nghiệp cũng "hết cửa" vay vốn, một chuyên gia cho hay.
Vì vậy, các ngân hàng không thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay kỳ hạn dài xuống mức 6 - 7%/năm. Thay vào đó, ngân hàng sẽ chọn lọc khách hàng đáp ứng yêu cầu, khách hàng hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên để giảm lãi suất.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng lao đao vì thu nhập giảm. Theo quy định, sau 45 ngày, chủ thẻ mới phải thanh toán tiền chi tiêu, nếu không trả sẽ bị tính lãi.
Chị Minh Thúy (phố Nguyễn Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) đề xuất: "Trước kia, với thời gian 45 ngày là thoải mái, nhưng ở thời điểm hiện tại thì rất eo hẹp. Dịch kéo dài 3 tháng là 3 tháng thu nhập giảm mạnh. Tôi mong ngân hàng có chính sách cho khách hàng trả góp 0% những tháng sau đó".
Đối với cá nhân sử dụng thẻ tín dụng là vay tiêu dùng, thường là các khoản vay tương đối nhỏ nhưng với lãi suất khá cao, khoảng từ 25 - 30%/năm. Vì vậy, nhiều khách hàng muốn ngân hàng nên giảm xuống tương đương với mức lãi vay tiêu dùng thông thường trung bình (khoảng 15%/năm); tăng thời gian miễn lãi đối với thẻ tín dụng lên 60 hoặc 90 ngày, thay vì tối đa là 45 ngày như hiện nay…
Tăng khả năng vay vốn kỳ hạn dài
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, trong khi "miếng bánh" giảm lãi vay của các ngân hàng có hạn nhưng doanh nghiệp nào cũng muốn "cắt miếng to" thì rất khó.
Chuyên gia này phân tích, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa hai lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay chỉ chênh lệch khoảng trên 3%. Trong khi đó, doanh nghiệp đòi giảm từ 3-5%, vậy ngân hàng sống bằng gì?
"Giả sử lãi suất huy động và cho vay chênh lệch khoảng 5-10% thì các doanh nghiệp có thể kiến nghị giảm 3-5% lãi vay còn được. Theo tôi, đề xuất này là cực kỳ vô lý, phi kinh tế và mang tính cục bộ", ông Long nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hỗ trợ cho doanh nghiệp không cần lãi suất quá thấp, mà kèm các giải pháp khác như: tăng khả năng vay vốn, kỳ hạn cho vay dài hơn. Riêng với lĩnh vực trọng yếu, Nhà nước phải có gói hỗ trợ riêng trong trường hợp thực sự khó khăn và cần thiết.
Mới đây, các ngân hàng thương mại có quy mô lớn cho biết sẽ giảm tiếp mức lãi suất cho vay, theo hướng doanh nghiệp khó khăn nhiều thì giảm nhiều, khó khăn ít thì giảm ít.
Các ngân hàng cũng đưa ra cam kết hỗ trợ nền kinh tế với nguồn từ số lợi nhuận cắt giảm, ước tính sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc giảm lãi suất là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất, cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát, để từ nay đến cuối năm, các cam kết của ngân hàng thương mại được thực hiện. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết”.
Huyền Anh