Cộng đồng doanh nghiệp vừa nhận được tin vui từ ngành ngân hàng khi mặt bằng lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ hai trong 2 tháng liên tiếp gần đây. Điều này sẽ tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng dư địa điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Giảm chi phí vốn cho ngân hàng
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái. Trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên báo Thời báo Kinh Doanh, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành là một tín hiệu tích cực cho thị trường, nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang vay vốn. Thông qua giảm lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu…), NHNN sẽ hỗ trợ phần nào chi phí vốn cho các ngân hàng, dù số lượng ngân hàng tiếp cận nguồn vốn này từ NHNN là không nhiều.
Ngoài ra, chuyên gia này nhìn nhận, với môi trường kinh doanh hiện tại, hoạt động cho vay giảm so với năm ngoái nên dù NHNN không giảm lãi suất thì các ngân hàng cũng giảm lãi vay. Nhu cầu cho vay giảm thì không có nhu cầu huy động vốn nhiều.
Ts. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất. Hai tháng qua, áp lực lạm phát đã giảm, không còn căng như 2 tháng đầu năm, giá dầu dự báo chỉ đạt 20 - 25 USD/thùng. Sức cầu của kinh tế thế giới còn yếu, mặt bằng giá cả hầu như không tăng, việc nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài là rất thấp. Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng trong nước đang được kiểm soát tốt, cung tiền ra nền kinh tế, nhất là tín dụng, thấp hơn nhiều năm trước (tín dụng dự kiến chỉ tăng 9 - 10%).
“Việc giảm lãi suất điều hành sẽ phát tín hiệu cho thị trường về xu hướng của lãi suất, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ từng bước giảm lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra”, ông Lực cho hay.
Ts. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, cũng nhận định, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch, việc giảm thêm lãi suất cho vay là rất cần thiết, ngoài việc giãn nợ, cơ cấu nợ. Tuy nhiên, NHNN không thể "bơm tiền" hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, mà phải thông qua hạ lãi suất điều hành, từ đó có nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại để họ hỗ trợ lại doanh nghiệp. Đương nhiên, việc cấp vốn vẫn phải đảm bảo các điều kiện tín dụng theo quy định.
Sẽ có thêm đợt giảm lãi suất điều hành?
Ông Hiếu cho rằng động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN từ ngày 13/5 có ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, nhưng chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn, không có tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài.
“NHNN mới chỉ giảm trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ qua đêm đến dưới 6 tháng. Như vậy, đối với các kỳ hạn cho vay trung và dài hạn không có tác động nhiều, trong khi các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vay vốn trung và dài hạn. Các ngân hàng hiện đang huy động tiền gửi với lãi suất khá cao, nên phải cho vay với lãi suất cao”, ông Hiếu nói.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN |
Theo Ts. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các ngân hàng thương mại có thêm dòng tiền từ cơ quan điều hành, giúp ngân hàng mạnh tay hạ lãi suất và cho vay hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, mức độ tác động thực sự tới nền kinh tế dù tích cực nhưng vẫn chưa thể nhiều như kỳ vọng. Bởi thực chất các mức lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay hiện đã ở mức thấp rồi, trong khi nhu cầu vốn của ngân hàng chưa đủ mạnh. Do đó, để đánh giá tác động của động thái hạ lãi suất điều hành lần này, cần phải chờ thêm một thời gian nữa để xem độ “ngấm” của dòng vốn. Bên cạnh đó, trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng đã “mạnh tay” cắt giảm lãi suất điều hành, thậm chí nhiều nước còn để mức lãi suất âm.
Chẳng hạn như Nhật Bản là -0,1%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là -0,5%, Australia là 0,25%... Do đó, việc cắt giảm lãi suất điều hành lần này của Việt Nam còn nhằm đưa lãi suất về mức hợp lý hơn, nhưng khó có thể cắt giảm mạnh hơn nữa do ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ, lạm phát.
“Sẽ khó có thêm đợt giảm lãi suất điều hành lần nữa nếu nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19”, ông Độ dự báo.
Thanh Hoa