Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 -15%.
Vốn giá rẻ là lợi thế
Các ngân hàng cho biết, hiện nay, mặc dù lãi suất huy động có xu hướng tăng, nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp, cùng với thanh khoản dồi dào, nên họ mong muốn tìm được khách hàng cho vay.
Sau khoảng 2 tháng các ngân hàng thương mại phải công khai mức lãi suất cho vay bình quân đã tạo ra cuộc cạnh tranh cung ứng vốn giá rẻ. Hiện, các ngân hàng đang cho vay khách hàng doanh nghiệp với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm, khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất 1-2 năm đầu, hay miễn lãi tháng đầu tiên.
Bên cạnh đó, 2024 cũng là năm đầu tiên, các ngân hàng được giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. Do đó, các đơn vị đã sớm xây dựng các chương trình vay vốn cho cả năm, thậm chí các gói vay "đo ni đóng giày" cũng đa dạng hơn, phục vụ nhu cầu của nhiều loại hình sản xuất mới.
Các chuyên gia cho rằng vẫn cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 -15%. |
Nhờ được vay vốn với lãi suất dưới 5%, Công ty CP Sản xuất, Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Thanh Hoá) đã mạnh dạn mở rộng nhà xưởng sản xuất để phục vụ các đơn hàng mới trong năm nay. Doanh nghiệp đã được ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết: "Theo chủ trương chính sách chung của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chúng tôi xây dựng các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn, thấp hơn so với lãi suất thông thường mà các doanh nghiệp vay. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo ra những kênh online để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các hồ sơ vay vốn".
"Trong năm 2024, ACB nhận định lãi suất vẫn tiếp tục thấp và duy trì lãi suất thấp trong suốt cả năm để người dân cũng như doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng với mức lãi suất tốt và hấp dẫn như hiện nay", bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của ACB thông tin.
Các chuyên gia đánh giá, để đẩy tín dụng tích cực hơn trong thời gian tới, "chìa khóa" vẫn nằm ở sức cầu về vốn và lãi suất.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khẳng định, chính sách tiền tệ tín dụng cũng như môi trường kinh doanh tương đối tốt. Tác động để khơi thông dòng vốn là tác động vào các yếu tố động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu tăng trưởng kinh tế tốt từ đó cải thiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế thì sẽ tác động ngược tới tăng trưởng tín dụng.
“Biểu hiện định lượng nhất về tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2024 với những nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, đã có những chuyển biến tích cực, dòng tiền đã thuận lợi thì tín dụng ở những nhóm ngành này cũng tăng trưởng", ông Lệnh chia sẻ.
Gỡ khó cho doanh nghiệp vay vốn
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngày 29/5, phát biểu, trao đổi làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãnh đạo Chính phủ thời gian vừa qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Để đẩy mạnh tín dụng hướng tới mục tiêu tăng trưởng 15%, mới đây NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Đặc biệt, nhà điều hành nhấn mạnh không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay…
Hiện, một số đầu tàu kinh tế lớn cũng đang thúc đẩy hàng loạt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tạo lực kéo tín dụng. Như tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã giải ngân hơn 200 nghìn tỷ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
"Với mức lãi suất cho vay thấp hơn 1 - 2% so với mức cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại hoàn toàn đáp ứng tốt cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh", ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Dù vậy, với kết quả như hiện nay thì ít nhất trong một tháng phải tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần mới đạt yêu cầu đến hết quý II, tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% theo Kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đòi hỏi quyết tâm rất lớn của ngành ngân hàng và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp.
Dự báo, tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế sẽ còn tăng trưởng lạc quan hơn nữa trong thời gian tới.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, dòng tiền sẽ đổ vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn so với nửa đầu của năm 2024. Với các nhà sản xuất kinh doanh khi có đơn đặt hàng thì họ cũng sẵn sàng trả lãi suất cao hơn, để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề chính ở đây là rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ khả năng để vay tiền ngân hàng. Họ không thể tiếp cận được với ngân hàng, thành ra để giải quyết vấn đề vốn cho các doanh nghiệp cần phải phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần có những kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể ứng biến với những kịch bản khác nhau, kịch bản đó dựa trên những giả định về lãi suất, về tình hình kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Và những giả định đó cũng phải dựa trên những thay đổi về tỷ giá và những thay đổi về vấn đề nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ngân hàng, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán.
Huyền Anh