Theo Cục Thống kê Hà Nội, ước đến cuối tháng 4/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố đạt 5.343 nghìn tỷ đồng, tăng 0,78% so với tháng trước và tăng 0,15% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó tiền gửi đạt 4.686 nghìn tỷ đồng, tăng 0,87% và tăng 0,35%; phát hành giấy tờ có giá đạt 657 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% và giảm 1,25%.
Ước đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3.670 nghìn tỷ đồng, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 1,47% so với thời điểm kết thúc năm 2023, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, tăng 0,63% và giảm 0,06%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.166 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93% và tăng 2,57%.
Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những chuyển biến tích cực. |
Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,9% trong tổng dư nợ.
Trong tháng 4/2024, lãi suất huy động tiền gửi bằng VND của các TCTD với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 7,7 - 9,8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,7%/năm theo quy định của NHNN.
Chính sách tín dụng và lãi suất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, về chi phí tài chính và kích thích doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Không chỉ Hà Nội, tăng trưởng tín dụng tại TP Hồ Chí Minh cũng có chuyển biến tích cực. Số liệu vừa cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy tín dụng tháng 4/2024 tăng 0,35%. Tính chung 4 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tăng 1,31% so với đầu năm và tăng 9,33% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về lý do tín dụng liên tục duy trì đà tăng trưởng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, các TCTD đã cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 40.000 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu đạt trên 46.700 tỷ đồng; giải ngân gói tín dụng cho doanh nghiệp ngành lâm sản, thủy sản với doanh số đạt 2.521 tỷ đồng; thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã giải ngân đạt hơn 184.000 tỷ đồng…
Đồng thời, Chương trình cho các doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn vay vốn đến nay đã đạt hơn 222.000 tỷ đồng với 3.634 khách hàng vay vốn, tăng 3,8% so với cuối năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn); cho vay bình ổn thị trường đạt 3.631 tỷ đồng…
“Thời gian tới, cần tiếp tục phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban ngành, quận huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi luân chuyển vốn và tạo lập dòng tiền. Điều này có ý nghĩa quan trọng để tín dụng tiếp tục tăng trưởng hiệu quả”, ông Lệnh đề nghị.
Thanh Hoa