Khó tiếp cận các gói vay
Cụ thể, do không có tài sản thế chấp nên các doanh nghiệp (DN) này khó tiếp cận gói vay tín chấp của các ngân hàng. Bởi lẽ, theo đánh giá của phía ngân hàng thì ngành du lịch là nhóm ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do khách du lịch chưa nhiều, nhưng vẫn trả các chi phí cho việc duy trì hoạt động như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện, nước…
Đối mặt nhiều khó khăn giữa Covid-19 nhưng đến nay nhiều DN vẫn “mỏi cổ” ngóng chính sách hỗ trợ. |
Cũng theo Sở Du lịch Tp.HCM, hầu hết người lao động, DN lữ hành (đặc biệt là các DN nhỏ và vừa) vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ theo quy định tại Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo thống kê, tính đến ngày 19/8/2020, khoảng 90 - 95% các DN lữ hành ở Tp.HCM đã tạm ngưng hoạt động khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước từ ngày 25/7, chỉ một số ít DN còn hoạt động để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng. Đối với cơ sở lưu trú, công suất phòng hiện nay đã giảm 91,5% so cùng kỳ năm trước, số lượng lao động cũng giảm 61% so với cùng kỳ.
Không chỉ với ngành du lịch, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của các DN nhỏ và vừa ở các lĩnh vực khác giữa đại dịch được phản ánh là vẫn hết sức nan giải và bị phía ngân hàng "làm khó".
Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (chuyên về ngành nông sản ở Đồng Nai), cho biết: “Rất nhiều DN đang bị phía ngân hàng đòi đóng lãi suất mà họ lại không có khả năng để đóng trong lúc này. Thực tế là ngân hàng đâu có kéo dài thời gian đóng lãi suất qua đại dịch”.
“Các DN đã cầm cố bất động sản và các tài sản có thể để xoay xở…, nhưng lãi suất thì vẫn phải đóng. Với hiện tại, nhiều DN không xuất được hàng thì lấy đâu ra tiền để đóng lãi?”, bà Nhung than phiền.
Với khó khăn của các DN nhỏ và vừa gặp phải giữa đại dịch hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất là Chính phủ nên tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện cho DN tiếp cận các gói hỗ trợ.
Hoặc như với ngành thiệt hại nặng nề như du lịch thì chính sách hỗ trợ nên cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN trong năm 2020 trong khoảng thời gian 6 tháng đến 12 tháng. Nhất là có thể giảm 50% thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng trong năm nay và tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet…
Cần rà soát gỡ nghẽn
Bên cạnh đó, như đề xuất của Sở Du lịch Tp.HCM, các ngân hàng thương mại cổ phần cần hỗ trợ DN vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và phải hoàn lại trong một năm để có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh, nhằm giúp các DN lữ hành duy trì hoạt động.
Trong khi đó, thông tin mới đây từ một tổ chức tài chính quốc tế là IFC - thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã cho thấy sự sốt sắng của họ trong việc hỗ trợ tài chính cho các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam để vượt qua khó khăn trước đại dịch.
Theo đó, kể từ khi đại dịch bùng phát, IFC đã nỗ lực hỗ trợ các DN nhỏ ở Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để ứng phó, với khoảng 554 triệu USD khi kết thúc năm tài chính ngày 30/6/2020.
Thậm chí, ngay khi Covid-19 bắt đầu gây ảnh hưởng tại châu Á, IFC đã nâng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD - một sáng kiến ứng phó nhanh để đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại mà các DN Việt Nam có thể gặp phải. Sáng kiến này đã tài trợ trên 330 giao dịch xuất nhập khẩu của DN nhỏ và vừa trong nước với tổng giá trị trên 200 triệu USD.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh: qua tiếp xúc với nhiều DN nhỏ và vừa thấy rằng những khó khăn của DN khi tiếp cận với các chính hỗ trợ giữa đại dịch Covid-19 là điều có thật. Điều này làm cho việc duy trì hoạt động của họ trở nên hết sức “bi kịch”.
Theo ông Dũng, ở góc độ Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lúc này nên tiếp tục rà soát lại xem các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa hiện nay đang gặp khó trước đại dịch Covid-19 đang có những điểm nào chưa đi tới được đối tượng hỗ trợ để nhanh chóng “gỡ nghẽn”.
Thậm chí, dù nhiều năm nay đã chủ trương hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa nhưng có được bao nhiêu tỷ lệ phần trăm trong số khoảng 800.000 DN của cả nước được hưởng lợi từ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa?
“Luật đã có rồi và rất phù hợp rồi, nhưng giữa dịch Covid-19 thì rất nhiều DN vẫn chưa được hưởng dù cho nằm trong đối tượng để được hưởng ở các gói hỗ trợ như gói 62.000 tỷ đồng, hay gói tín dụng 285.000 tỷ đồng. Thậm chí, họ than phiền những gói hỗ trợ quá xa vời và ví von là "chỉ có trên tivi" mà thôi”, ông Dũng thông tin.
Thế Vinh