Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Cụ thể, cử tri Bình Thuận cho rằng hiện nay, việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh không đạt như kỳ vọng.
Cử tri kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% còn thấp, chưa được như kỳ vọng nên Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phương án điều chuyển vốn sang chính sách khác. |
Những vướng mắc được cử tri đề cập như bối cảnh kinh tế đã khác so với khi đề xuất xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tâm lý e ngại của khách hàng và ngân hàng thương mại đối với các thủ tục thanh tra, kiểm toán sau này, e ngại khi đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.
Ngoài ra, còn cả vướng mắc từ việc ngân hàng thương mại và khách hàng khó xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau nhưng khó bóc tách mục đích được hỗ trợ lãi suất và mục đích không được hỗ trợ lãi suất. Ví dụ như vay thu mua nguyên vật liệu đầu vào để vừa chế biến - thuộc ngành công nghiệp chế biến được hỗ trợ lãi suất, vừa kinh doanh thương mại thuộc ngành bán buôn bán lẻ - không được hỗ trợ lãi suất.
Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Trong văn bản trả lời cử tri, Thống đốc cho biết, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 và xin ý kiến các bộ ngành, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ, báo cáo Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện chương trình với quyết tâm cao nhất.
Qua khảo sát và báo cáo của ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, trong số khách hàng thuộc ngành lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất có khoảng 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.
Văn bản trả lời cử tri cũng nêu, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xác định triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh việc triển khai, sẽ kịp thời tiếp nhận tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực thi chính sách này.
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tháng 2; thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước sớm báo Thủ tướng phương án phù hợp thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% với các khoản vay tại các tổ chức tín dụng trong khuôn khổ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá kỹ khả năng giải ngân để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án điều chuyển nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất sang hình thức, chính sách khác. Trong đó, phương án được xem xét là chuyển sang cho vay nhà ở xã hội, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai gói này là rất chậm: đến cuối 2022, gói hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt 134 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, gói này giải ngân thêm được 2.345 tỷ đồng. Như vậy, sẽ còn dư 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết.
Thanh Hoa