Ngày 2/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Phiên họp được truyền trực tuyến tới các địa phương cả nước.
Thủ tướng đánh giá, trong tháng 1 dù ngày nghỉ kéo dài nhưng các hoạt động vẫn được triển khai. Tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách tăng; xuất siêu 3,6 tỉ USD. Tình hình tiền tệ ngân hàng ổn định, sức ép tỉ giá giảm dần.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, tình hình còn những khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro. Trong các động lực tăng trưởng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại... Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%). Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng trong tháng 2 và thời gian tới tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. |
Cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt tín dụng.
Du lịch sôi động trở lại nhưng còn khoảng cách lớn với thời điểm trước dịch COVID-19 (khách quốc tế tương đương 58% so với cùng kỳ năm 2019). Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức, viên chức trẻ mới được tuyển dụng vào khu vực công. An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tội phạm mạng.
Dự báo, tình hình sắp tới tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo điều hành thận trọng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý ngay trong những tháng đầu; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác
Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Với tổng vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.
Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.
Thanh Hoa