Tuy nhiên, ông Lệnh cho rằng vẫn triển khai được. Theo đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai cho 11 nhóm ngành khác nhau. Các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai quy chế, quy trình và đang thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ là từ ngân sách nên cũng có sự e ngại từ phía doanh nghiệp (DN), thậm chí ngân hàng thương mại còn chủ động mời DN làm thủ tục hỗ trợ nhưng vì tâm lý e ngại hậu kiểm nên không thật sự mong muốn.
Dù vậy, NHNN chi nhánh TP HCM vẫn đang yêu cầu thực thi theo hướng, công bố quy trình, thủ tục triển khai đầy đủ; hướng dẫn cho khách hàng thực hiện. Đến nay, doanh số cho vay từ gói hỗ trợ này khoảng 35.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với trước đó.
“Ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM triển khai chương trình hỗ trợ, kết nối ngân hàng và DN với nội hàm là triển khai gói hỗ trợ 2% đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực quy định”, đại diện NHNN chi nhánh TP HCM cho biết.
Hiện nay, doanh số cho vay từ gói hỗ trợ lãi suất 2% tại TP.HCM đạt khoảng 35.600 tỉ đồng, tăng mạnh so với trước đó. |
Mục tiêu của NHNN là tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.
NHNN chi nhánh TP HCM sẽ triển khai 3 nhiệm vụ chính, gồm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; tiếp tục tổ chức tốt hoạt động kết nối ngân hàng và DN; tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua chương trình kết nối với Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và các quận, huyện, với nội hàm gắn với gói 2% lãi suất và gắn với cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên. Từ đó, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển trong năm 2023.
Ông Lệnh khẳng định: “Sẽ phối hợp thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN nhằm tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trên cơ sở phối hợp với hiệp hội DN, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn”.
Đồng thời, triển khai các chương trình tín dụng chính sách khác như: tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp (gói 20.000 tỉ đồng từ các công ty tài chính tiêu dùng đăng ký) nhằm góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Mặt khác, qua các chương trình kết nối ngân hàng và DN sẽ là tuyên truyền chính sách, triển khai chính sách, hỗ trợ khó khăn cho DN.
Mới đây, phản hồi đề nghị của NHNN về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ về gói hỗ trợ lãi suất 2%, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra để nghị, NHNN sớm ban hành quy chế kiểm tra khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2%
Cụ thể, sớm ban hành quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ công tác liên ngành để tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng. Cùng với đó, hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các ngân hàng thương mại.
Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác. Cần có phương án riêng đối với hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%
Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31/2022/NĐ-CP đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất.
Quy định này vô hình chung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.
Thanh Hoa