Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2016 - 2020. Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn từ năm 2024.
Gia hạn Nghị quyết 42 để hỗ trợ xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, có hơn 266 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong 5 năm qua từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nợ xấu tăng lên rất nhanh.
“Để thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng”, đại diện NHNN chia sẻ.
Bên cạnh xây dựng Luật xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng cho rằng cần sớm có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. |
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank nhận định: "Kéo dài Nghị quyết 42 là cần thiết, thể hiện sự thống nhất và ổn định chính sách. Tức là duy trì ổn định chính sách xử lý nợ, đặc biệt giai đoạn hiện nay, dưới ảnh hưởng của COVID-19, nợ xấu có thể gia tăng nên cần thiết gia hạn".
Nếu không được gia hạn Nghị quyết 42, những khoản nợ tiềm ẩn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ khó xử lý hơn. Vì khi đó, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) sẽ khó mua bán nợ với các ngân hàng. Nếu nợ xấu tăng cao, các ngân hàng cũng khó có thể cấp vốn ra cho doanh nghiệp.
Hiện, Nghị quyết 42 cho phép VAMC được mua bán nợ xấu đã xử lý rủi ro, đang hạch toán ngoài bảng của ngân hàng thương mại; đồng thời được bán nợ xấu cho cả tổ chức, cá nhân. Do đó, gia hạn Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện cho mua bán nợ theo giá thị trường.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: VAMC cần đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường năm nay; đồng thời thu hồi nợ gắn với áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động mua, bán nợ theo cơ chế thị trường.
Cùng với việc kéo dài thời gian thực hiện, trong dự thảo Nghị quyết được NHNN xây dựng cũng có đề xuất mở rộng phạm vi các khoản nợ được áp dụng bởi Nghị quyết 42 mới chỉ áp dụng với các khoản nợ trước ngày 15/8/2017. Theo đó, với tình hình khó khăn do dịch bệnh, thì cần cho phép xử lý cả những khoản nợ xấu phát sinh gần đây.
Thúc đẩy thị trường mua bán nợ
Tuy vậy, bên cạnh xây dựng Luật xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển và coi đây là kênh chính để xử lý nợ xấu, chứ không cần các cơ chế đặc thù.
Thực tế, sau gần nửa năm sàn giao dịch nợ được thành lập và nguồn nợ xấu đã sẵn sàng để giao dịch, các TCTD và VAMC vẫn chưa thể hiện thực hóa mua bán trên sàn.
“Sàn thành lập rồi, nghĩa là đã có chợ rồi, nhưng chưa có hành lang pháp lý. Hiện chưa có hướng dẫn về thẩm định giá trị khoản nợ, kế thừa nợ xấu, quy định về quyền chủ nợ…, nên việc bán nợ trên sàn rất khó khăn. Cần nhanh chóng rà soát, ban hành các hành lang pháp lý để VAMC và các TCTD có thể bán nợ trên sàn. Châu Âu đã giảm nợ xấu rất nhanh nhờ giải pháp bán nợ, tôi hy vọng Việt Nam cũng sẽ sớm như vậy”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.
Tại hội thảo về nợ xấu mới đây, ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cũng cho hay, bán nợ là giải pháp xử lý nợ xấu phổ biến và hữu hiệu của các ngân hàng. VAMC đã thành lập sàn giao dịch nợ, song BIDV và các ngân hàng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Để tạo dựng một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thì cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ - đối tượng được giao dịch - là rất cần thiết.
“Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính) vẫn chưa ban hành quy định, hướng dẫn cách thức thẩm định giá khoản nợ của TCTD. Điều này gây nhiều khó khăn cho TCTD cũng như khách hàng có nhu cầu mua nợ trong việc xem xét giá trị khoản nợ, cũng như sẽ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động mua bán nợ, vì khi TCTD bán nợ, thì việc thẩm định, xác định giá trị khoản nợ cơ bản chỉ dựa trên giá trị của tài sản đảm bảo”, ông Hải phân tích.
Được biết, tính tới đầu năm nay, đã có 54 đơn vị tổ chức, cá nhân là thành viên Sàn giao dịch nợ VAMC và đã được cung cấp user truy cập website của sàn. Sàn giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với khách hàng đạt tổng dư nợ hàng nghìn tỷ đồng. Sàn cũng đã tích cực tìm kiếm, kết nối các nhà đầu tư. Tuy vậy, các vướng mắc pháp lý khiến các giao dịch qua sàn chưa thể diễn ra nhộn nhịp sớm như kỳ vọng.
T.H