Quyết định hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn được coi là bước đi cụ thể đầu tiên của chương trình tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra hồi tháng 10/2011.
Tại Hội nghị các nhà tài trợ 2011 (CG 2011), ngày 6/12, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một lần nữa nhấn mạnh về mục tiêu trong 5 năm tới Việt Nam phấn đấu có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, có từ 10 - 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cũng sẽ có những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, các TCTD phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định.
Hợp nhất để lớn mạnh
Thông tin 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn sẽ hợp nhất được ông Nguyễn Văn Bình thông báo tại buổi giao ban báo chí Trung ương ngày 6/12/2012. Chiều cùng ngày, tại Tp.HCM, 3 ngân hàng này cũng đã họp báo công bố về sự hợp nhất. Dự kiến, ngày 25/12 sẽ công bố đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đệ Nhất Tín Nghĩa Sài Gòn.
Theo ông Bình, nguyên nhân khiến 3 ngân hàng này tự nguyện sáp nhập với nhau là do trong thời gian qua đã dùng nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Khi nguồn vốn ngắn hạn không còn dồi dào đã ảnh hưởng tới khả năng thanh toán tạm thời. Trên thực tế, NHNN cũng đã hỗ trợ thanh khoản cho cả 3 ngân hàng và tình hình cũng đã tạm ổn.
|
Buổi họp báo của 3 ngân hàng cũng đưa ra thông tin về mạng lưới sau khi hợp nhất. Theo đó, tất cả các chứng từ của 3 ngân hàng này sẽ được chuyển thành chứng từ của một ngân hàng với tên gọi mới. Tất cả các nghĩa vụ nợ và có của 3 ngân hàng sẽ đưa về một ngân hàng. Như vậy, ngân hàng mới sẽ được hình thành trên cơ sở kế thừa tài sản và nghĩa vụ của 3 ngân hàng.
Có thể nói, cái được lớn nhất trong việc hợp nhất của 3 ngân hàng này là bước đi đầu tiên để đạt được mục tiêu bình ổn niềm tin của thị trường. Điều đó có thể thấy trong ngày 6/12, tại những chi nhánh ở Hà Nội của 3 ngân hàng này vẫn có người đến gửi tiền, rút tiền, chứ không chỉ đơn phương rút tiền như những ngày trước đó.
Một cái được nữa, theo Ts. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, việc hợp nhất mang tính tự nguyện này thể hiện động thái quản trị rủi ro chủ động. Còn nếu rơi vào thế bị động "mất bò mới lo làm chuồng" thì việc hợp nhất, sáp nhập mang ý nghĩa rất thấp. Điều đó cho thấy sự tự nguyện này được kỳ vọng sẽ có một ngân hàng mới lớn mạnh, sạch sẽ nợ xấu, bảng cân đối tài sản lành mạnh…
Việc cần làm sau sáp nhập
Theo nhận định của một chuyên gia ngân hàng, khó khăn lớn nhất trong việc sáp nhập này chính là văn hóa doanh nghiệp đã hình thành. Liệu cổ đông của 3 ngân hàng này sẽ ứng xử thế nào khi mà quy mô là "ngang cơ"? Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến hoạt động như việc bố trí lại hệ thống nhân sự, tích hợp hệ thống thông tin và quản lý rủi ro, những thủ tục kiểm soát nội bộ và hệ thống kế toán.
Ngoài ra, việc phân bổ nguồn nhân lực cũng sẽ gặp khó khăn nhất định và có thể nảy sinh những xung đột. Một vấn đề đáng lưu tâm khác là các tài sản sẽ được quản lý thế nào, nợ xấu sẽ được quản lý và xử lý ra sao?
Trên thực tế, việc sáp nhập 3 ngân hàng cùng có trụ sở chính tại Tp.HCM sẽ không giúp cho một ngân hàng mới ra đời tận dụng được hết các chi nhánh, phòng giao dịch cũ, bởi chắc chắn sẽ có sự dày đặc ở từng khu vực, đặc biệt là tại Tp.HCM và Hà Nội, trong khi ở những tỉnh, thành khác lại không có nhiều, thậm chí có những tỉnh, thành chưa hề có chi nhánh nào của một trong 3 ngân hàng trên hiện diện.
Hơn nữa, sau khi hợp nhất, ngân hàng mới này sẽ hoạt động theo hướng nào? Phân khúc thị trường ra sao? Những câu hỏi này đã được ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, giải đáp phần nào khi trao đổi với báo giới bên lề CG 2011. Theo ông Kiên, điều này sẽ tùy theo khả năng, mạng lưới bố trí và đội ngũ cán bộ nhân viên của các ngân hàng để có những phạm vi điều chỉnh theo các phân khúc thị trường nào. Có thể ngân hàng này sẽ trở thành ngân hàng cho vay vốn nhỏ, giống như ngân hàng cho người nghèo.
Liên quan đến các vấn đề chi phí sau khi sáp nhập, ông Kiên cho rằng điều đầu tiên cần phải nói đến là các khoản chi phí đó phải chia ra là chi phí để đảm bảo hoạt động, sau nữa là bù lỗ vì trong hoạt động ngân hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.
Minh Huệ