Chia sẻ tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, ngân hàng đã tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng vốn của Công ty Tài chính FCCOM trong tháng 11/2021.
Lý do ngân hàng muốn thoái vốn khỏi công ty tài chính?
Trước đó, VPBank cũng chính thức hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác là công ty con thuộc SMBC Group (Nhật Bản). Thương vụ này hoàn tất dự báo đưa ngân hàng lên nhóm dẫn đầu về tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng...
Dù chỉ còn sở hữu 50% vốn tại FE Credit, VPBank kỳ vọng sẽ tiếp tục sở hữu nguồn lợi nhuận khổng lồ do công ty này mang lại trong thời gian tới. |
Quay trở lại với thương vụ bán vốn FCCOM, ông Linh chia sẻ với các chuyên gia và nhà đầu tư: "Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", ông Linh nói và nhấn mạnh: "Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022".
Ngoài 2 thương vụ trên, thị trường chuyển nhượng vốn tại các công ty tài chính đang thực sự sôi động khi một số ngân hàng khác cũng tiết lộ kế hoạch này. Điển hình như cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Lý do nào khiến các ngân hàng muốn thoái vốn khỏi công ty tài chính khi mà chỉ vài năm trước các công ty tài chính còn được ví như “gà đẻ trứng vàng”? Ví dụ, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, FE Credit đóng góp khoảng 40 - 50% vào lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng mẹ VPBank. Hay như HD Saison dự kiến đóng góp từ 15 - 20% vào lợi nhuận hợp nhất trong trung hạn cho HDBank...
Từng tiết lộ ý định mua lại công ty tài chính, song ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nêu quan điểm về triển khai tín dụng tiêu dùng là phải đảm bảo hiệu quả tốt nhất, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu…Vì vậy, việc ngân hàng có được một công ty tài chính trong thời gian tới vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải có sự phê duyệt từ NHNN…
Trong khi đó, CEO một ngân hàng từng có ý định mua công ty tài chính để chuyên biệt hoá mảng kinh doanh này cho biết, việc phát triển công ty tài chính bền vững, hiệu quả, mà an toàn là không dễ dàng. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì khó càng chồng khó. Vì vậy nên ngân hàng tạm thời dừng ý định tìm mua công ty tài chính.
Dư địa tăng trưởng còn nhiều
Có thể thấy mức độ hấp dẫn của công ty tài chính tiêu dùng đã bớt đi khá nhiều trong bối cảnh đại dịch. Trong hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng của nhóm công ty tài chính, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến hết tháng 9/2021, nợ xấu của nhóm công ty tài chính vọt lên 9%, trong khi cuối năm 2020, tỷ lệ này chỉ 6% (tức mức nợ xấu tăng 33%). Trong khi đó, tín dụng của nhiều công ty tài chính không tăng, thậm chí suy giảm, song với nguồn vốn “ế”, các công ty này không thể đầu tư giấy tờ có giá để tận dụng vốn, nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động.
Theo tài liệu được VPBank cập nhật gần đây, doanh số giải ngân của FE Credit trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 42 nghìn tỷ, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dư nợ cho vay cuối tháng 9/2021 của FE Credit là 62,4 nghìn tỷ, giảm 3,4% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 11.900 tỷ đồng, thấp hơn mức 13.000 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2020 và 13.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của FE Credit trong 9 tháng đầu năm ở mức 900 tỷ đồng, chỉ còn đóng góp 7% cho tổng lợi nhuận của VPBank. Trong khi trước đó, 6 tháng đầu năm công ty này báo lãi trước thuế 1.200 tỷ.
Như vậy, trong quý III/2021, FE Credit đã ghi nhận lỗ 300 tỷ đồng, kết quả chưa từng có của công ty tài chính đứng đầu Việt Nam.
Dù các công ty tài chính đang gặp khó khăn vì Covid-19, song các chuyên gia và nhà đầu tư vẫn có cái nhìn lạc quan về câu chuyện kinh doanh của các công ty này, thậm chí sẽ tăng tốc trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nói với VnBusiness, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, bởi tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá thấp. "Có thể giai đoạn này kinh tế khó khăn nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm, nhưng khi kinh tế hồi phục sau thời kỳ hậu Covid-19, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng", ông Thành nhận định.
Trong khi đó, lãnh đạo VPBank cũng kỳ vọng, lợi nhuận của FE Credit sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2022 đạt mức 6.000 tỷ đồng, năm 2023 có mức tăng trưởng lợi nhuận 80% và duy trì tốc độ tăng trưởng này tới năm 2025.
“Dù chỉ còn sở hữu 50% vốn tại FE Credit, VPBank kỳ vọng sẽ tiếp tục sở hữu nguồn lợi nhuận khổng lồ do công ty này mang lại trong thời gian tới”, lãnh đạo VPBank nói.
Huyền Anh