VPBank vừa bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, Nhật Bản (SMBC) |
Nêu quan điểm cá nhân về thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui, Nhật Bản (SMBC), TS. Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Nghiên cứu kế toán Úc cho rằng, mảng tài chính tiêu dùng được đánh giá rất tiền năng, trong đó FE Credit đang nắm thị phần chi phối tại Việt Nam. Việc thương hiệu này được định giá 2,8 tỷ USD, với 49% cổ phần, giá trị thương vụ xấp xỉ 1,4 tỷ USD, con số này "không hề cao một chút nào", đặc biệt nếu tính thêm giá trị cộng hưởng trong hoạt động M&A.
"Giá trị cộng hưởng đó là khi 2 tổ chức có quan hệ với nhau thì 1 cộng 1 không bằng 2 mà 1+1 bằng 3, bởi nó tạo ra uy tín, vốn, năng lực quản trị,… trên thị trường 96 triệu dân này", ông Long giải thích thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định, thời điểm này giá trị thương hiệu không còn là vấn đề đáng lưu tâm, mà câu hỏi đặt ra hiện nay đó là tương lai của VPBank sẽ thay đổi như thế nào?
Theo ông Long, trước khi đầu tư vào FE Credit, Tập đoàn SMBC đã sở hữu 15,07% cổ phần tại Eximbank. Tuy nhiên, những năm qua “ghế nóng” của ngân hàng này liên tục rối ren, hoạt động kinh doanh không thể khởi sắc, thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, đây là thương vụ đánh giá không thành công của SMBC.
"rót tiền" vào Eximbank có thể là thương vụ đầu tư không thành công của SMBC, dường như tổ chức này đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư mới đối với các ngân hàng khác và VPBank là một trong những ứng viên trong lựa chọn này”, TS Phan Lê Thành Long cho hay.
Dưới góc nhìn của mình, vị chuyên gia này phân tích, SMBC đầu tư vào FE Credit không đơn thuần là mua lại vốn của công ty nắm giữ thị phần chi phối trên thị trường, mà trong tương lại SMBC có thể là đối tác chiến lược của VPBank.
Ông phân tích, năm 2020, lợi nhuận của VPBank là hơn 10.000 tỷ, vốn điều lệ gần 26.000 tỷ đồng nhưng điểm lưu ý là thặng dư vốn của nhà băng này ở mức thấp. Tuy nhiên, VPBank có hơn 2.200 tỷ đồng cổ phiếu quỹ (tại thời điểm 31/12/2020). Đó là những nguồn có thể thấy được ngân hàng sẽ có được đối tác chiến lược như SMBC trong tương lai.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp VPBank không chỉ tăng vốn mà còn tăng về uy tín, nhất là khi VPBank chưa có đối tác chiến lược, cải thiện năng lực quản trị - một trong những lĩnh vực ưu tiên và chuyển đổi thành ngân hàng số mạnh mẽ hơn nữa.
Điều này cũng không phải không có cơ sở, tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng đã tiết lộ kế hoạch tìm đối tác chiến lược cho ngân hàng này.
"Hiện room ngoại của VPBank mới chỉ khoảng 22,77%, chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục phát hành cổ phiếu, huy động vốn cho ngân hàng, có thể thực hiện vào cuối năm nay", ông nói.
Lãnh đạo ngân hàng cũng tiết lộ, VPBank sẽ dùng thêm cả lượng cổ phiếu quỹ hiện có (75 triệu cổ phiếu quỹ) để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Ông Dũng cho biết, nếu đạt thỏa thuận tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ đáp ứng lớn hơn kỳ vọng của nhà đầu tư về thặng dư cổ phiếu quỹ thời gian tới. Đó cũng là lý do vì sao đến hiện tại, giá cổ phiếu của VPBank ở mức cao nhưng nhà băng này vẫn chưa có ý định "giải phóng" số cổ phiếu quỹ kể trên.
Huyền Anh