Ngày 20/12, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển” được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tình hình địa chính trị thế giới có nhiều bất ổn, lạm phát gia tăng...
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung nổi bật về phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước trong khi nhiều nước trên thế giới còn gặp khó khăn.
Nổi bật là, toàn ngành tư pháp đã tập trung rà soát một khối lượng rất lớn, gần 28.000 văn bản để từ đó bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ gần 6.000 văn bản, trong bối cảnh Chính phủ tổ chức triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh: Bộ Tư pháp phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế (Ảnh: VGP) |
Bộ Tư pháp đứng đầu trong các bộ, ban, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2021.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã nêu lên những bất cập của các chính sách phục hồi kinh tế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và chưa phát huy được hiệu quả, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ rủi ro cao vì đây là tiền hỗ trợ của ngân sách, nhưng lợi ích rất nhỏ, "các ngân hàng thương mại không mặn mà".
Đồng tình, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là "khó vô cùng".
Do đó, bà cho biết, những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ.
"Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt, chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót", bà Thảo nói và mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu có thì nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng thừa nhận còn những hạn chế trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo ông Đôn, không chỉ doanh nghiệp có tâm lý "e ngại" khi tiếp cận nguồn vốn này bởi hoạt động thanh tra, kiểm tra, mà ngay cả cơ quan nhà nước cũng có những rủi ro nhất định, nhất là việc hướng dẫn triển khai chính sách như thế nào cho đúng, bởi sau này cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ thanh tra, kiểm tra đối với chính cơ quan quản lý nhà nước.
Để giảm thiểu rủi ro, ông Đôn nhận định cần có các đề xuất, hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt nhấn mạnh phải kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản để sớm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống.
Bộ Tư pháp cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thanh Hoa