Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do đại dịch Covid-19, cho hay đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua.
Doanh nghiệp mong được nới điều kiện vay vốn
Các doanh nghiệp cho rằng, việc thực thi chính sách chưa sát thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương trong việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình là chính sách vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp mong mỏi được nới điều kiện vay vốn, còn ngân hàng lo vi phạm pháp luật. |
Theo tìm hiểu, hiện nay 16 ngân hàng thương mại cam kết dành 24.613 tỷ đồng để giảm lãi suất cho khách hàng trong thời gian giãn cách, đồng thời nhiều gói hỗ trợ riêng biệt của các ngân hàng cũng đang được triển khai song song.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ 15/7 - 31/8/2021, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách vay đạt 8.865 tỷ đồng, tương đương hơn 43% kế hoạch. Trong khi đó, còn hàng nghìn doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn vẫn chưa được duyệt.
Trao đổi với VnBusiness, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, với những doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất 3 tại chỗ rất cần vay vốn ưu đãi để trả lương và trợ cấp cho người lao động.
“Chi phí cho người lao động cần làm cho nhanh, bây giờ đối với họ 100.000 đồng hay tiền triệu cũng quan trọng lắm, để họ an tâm làm việc. Tuy nhiên, hiện nay để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu do hồ sơ thủ tục phức tạp, thậm chí sau thời gian dài chờ đợi doanh nghiệp cũng không vay được vốn”, ông Việt Anh cho hay.
Chia sẻ thêm, ông nói: "Vấn đề mong mỏi của doanh nghiệp hiện nay khi xem xét cho doanh nghiệp vay nợ, ngân hàng không nên tính các khoản nợ cũ đang được hoãn, giãn nợ thành nợ xấu. Như vậy, thì doanh nghiệp mới vay được vốn để duy trì hoạt động".
Kiến nghị của ông Việt Anh cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện nay. Từ đó cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị trong chính sách hỗ trợ sắp tới, Chính phủ và các bộ, ngành chú trọng nhiều hơn vào các cuộc trao đổi, tham vấn, tìm ra giải pháp mang tính dài hơn hơn, nhận diện xu hướng trong bối cảnh đại dịch từ đó có hành động phù hợp. Chẳng hạn như gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng sắp tới nếu không có cơ chế bảo lãnh tín dụng thì chính sách khó có tính lan tỏa.
Từ những kiến nghị này, các chuyên gia đặt vấn đề: Tình hình kinh tế như hiện nay, nợ bình thường còn khó thu hồi, vậy nợ xấu làm sao thu được? Ngân hàng muốn chia sẻ, nhưng vi phạm luật thì ai chịu trách nhiệm? Ngân hàng không thể vượt quy định và các điều kiện, thủ tục cần phải theo đúng quy chế.
“Doanh nghiệp có khả năng sản xuất, nhưng không có khả năng để đi vay, vậy cần có cơ chế để cho vay, chứ không thể ép các ngân hàng phải cho vay. Các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng để cho vay, bởi bản thân họ cũng là doanh nghiệp”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường nói.
Cần một chính sách tổng thể
Trong kiến nghị giảm lãi và nới điều kiện cho vay, nhiều doanh nghiệp lập luận ngân hàng vẫn thu lãi khủng, thậm chí tăng hàng chục phần trăm, thì không có lý do gì không chia sẻ với doanh nghiệp, họ cho rằng “doanh nghiệp có sống khoẻ thì ngân hàng mới phát triển”.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, các ngân hàng thương mại cho biết, lợi nhuận của các ngân hàng hiện chưa được tính khoản trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và lợi nhuận tính cả lãi dự thu. Nếu siết lại, trừ tất cả những khoản này thì chắc chắn sẽ không được những con số như ngân hàng công bố.
Công tâm mà nói, các ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn, họ phải giải quyết đồng thời câu chuyện tiền huy động về không để một chỗ được. Nhưng ngược lại cho vay mà không cẩn thận, nếu sai phạm, chủ quan thì thậm chí là đi tù, chứ không chỉ là câu chuyện mất vốn.
Trao đổi với Vnbusiness, lãnh đạo một ngân hàng Thương mại cho rằng, đa phần doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận được vốn là những đơn vị không có phương án kinh doanh đảm bảo, không có vốn tự có... "Các ngân hàng không thể giảm chuẩn tín dụng vì ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, nếu cho vay không có điều kiện hoặc dưới chuẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay thì lấy tiền đâu để trả cho người gửi tiết kiệm khi không thu hồi được nợ. Do đó, ngân hàng cần phải đảm bảo hài hoà lợi ích của người cho vay và người đi vay", vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú ví von, các ngân hàng thương mại như “đi trên dây” khi hỗ trợ doanh nghiệp. “Nếu cứ thả, mở cửa ra, bao nhiêu tín dụng cần, ngân hàng cho vay hết, sau này không trả được ai chịu trách nhiệm. Mất thanh khoản, rối loạn nền kinh tế ngay lập tức. Ngược lại, nếu cứ đóng cửa, chặt chẽ quá, mai này doanh nghiệp “chết”, huy động về không cho vay được cũng nguy hiểm.
Ông đặt vấn đề: Gói hỗ trợ lãi suất, nếu có, phải đặt ra đối tượng là ai, đối tượng ấy có khả năng phục hồi, lan tỏa đến các đối tượng khác không hay càng ném vào càng “chết”. Có như vậy ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay. Tuy nhiên, đó là cái rất khó.
Do vậy, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp thế nào, có hạ chuẩn cho vay hay không cần có một bài toán tổng hợp, cần một cơ quan cao hơn NHNN là Chính phủ đưa ra một chính sách tổng thể.
Huyền Anh