Báo cáo tài chính mới nhất của cả 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank và BIDV đều cho thấy nửa đầu năm nay đã hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất hệ thống.
"Được mùa" huy động vốn rẻ
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 sẽ chỉ dừng lại ở mức 14% và dự báo những năm tới cũng khó cao hơn, áp lực đạt mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng ngày càng khó khăn hơn. Điều đó bắt buộc các ngân hàng phải tìm hướng đi mới thay cho hoạt động tín dụng để tăng khả năng sinh lời trong thời gian tới.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán lẻ, phân phối bảo hiểm (Bancassurance)… và thực tế hướng đi này đã mang lại kết quả khả quan. Nhiều ngân hàng đã đạt mức lợi nhuận rất cao nhờ đóng góp của các mảng kinh doanh này.
Chẳng hạn, nửa đầu năm nay, mảng dịch vụ đã mang về cho VIB 764 tỷ đồng lãi thuần, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; TPBank đạt 605 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Tương tự với Sacombank, thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy doanh thu từ dịch vụ ngày càng phát triển mạnh với con số gần 1.400 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ…
Đồng thời, các ngân hàng cũng chú trọng đến việc giảm thiểu chi phí hoạt động. Trong đó, nhiều ngân hàng đang tìm cách giảm cấu phần chi phí thứ hai – chi phí huy động vốn từ khách hàng.
Theo đó, các ngân hàng sẽ tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/ tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA), bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1 – 0,5%/năm.
Nhìn sơ bộ thông qua báo cáo tài chính cũng thấy ngay một lượng lớn vốn rẻ từ Kho bạc Nhà nước, hệ thống ngân hàng và dân cư đã "chảy" mạnh 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank, BIDV.
Hiện, VietcomBank đang giữ vị trí dẫn đầu với gần 239,4 nghìn tỷ đồng vốn rẻ trong 6 tháng đầu năm, tăng 5,5% so với cuối năm 2018. Hai "người anh em" là BIDV và VietinBank cũng khá thành công trong việc huy động vốn giá rẻ, với lần lượt là 152 nghìn tỷ đồng và 121 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng có lượng tiền gửi không kỳ hạn khá cao như: MB, Techcombank, TPBank…
Hầu hết các ngân hàng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ CASA |
Lợi thế từ CASA
Nếu tính tỷ lệ CASA đến hết tháng 6, Techcombank dẫn đầu hệ thống với 28,96%; Vietcombank đứng đầu về lượng tiền gửi không kỳ hạn, nhưng tỷ lệ CASA lại xếp thứ 2 trên toàn hệ thống với 27,49%; MB đứng ở vị trí thứ ba, với 25,73%; tiếp đến là TPBank 17,16%, ACB 16,60%, Sacombank 15,28%, VietinBank 14,37%, BIDV 14,34%…
Theo các chuyên gia, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao sẽ nắm lợi thế, bởi giúp pha loãng chi phí huy động, từ đó góp phần cải thiện lãi biên. Nhờ huy động được lượng lớn nguồn vốn giá rẻ đã giúp cho các "ông lớn" mạnh dạn giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Lợi thế này đang tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ CASA. Điển hình, Techcombank có chiến lược hút tiền gửi không kỳ hạn giá rẻ CASA từ việc kích thích khách hàng sử dụng các dịch vụ miễn phí như miễn phí chuyển tiền, miễn phí rút tiền… và kết hợp phục vụ khách hàng gắn với các tập đoàn tư nhân gần như độc quyền của mình là Vingroup, Masan.
HDBank cũng đang chiếm ưu thế về data và chuỗi phục vụ đặc quyền cho hơn 20 triệu khách hàng trực tiếp, bao gồm ở HDSaison và Vietjet. Con số này lớn gấp đôi nếu cộng thêm data của nhóm năng lượng, bán lẻ, hứa hẹn khoản CASA mới mỗi ngày chảy qua HDBank.
ACB đặt mục tiêu nâng tỷ lệ CASA lên 25% vào năm 2021. Để làm được điều đó, ACB đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số tài khoản ngân hàng trong 2 năm tới, lên 5 triệu tài khoản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong cuộc đua tăng tỷ lệ CASA, mục tiêu miễn giảm các loại phí dịch vụ sẽ được một số nhà băng thực hiện, bởi lợi ích đem lại vẫn đang được cho là khá tích cực.
Phân tích trường hợp của Techcombank sẽ thấy điều này khi mà chỉ sau 2 năm triển khai chương trình "0 đồng E-banking", lượng khách hàng của ngân hàng đã tăng đáng kể. Tại thời điểm cuối quý II/2019, tiền gửi khách hàng tăng 9,4%, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn và ký quỹ trên tổng huy động đạt mức 30,4%.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng tận dụng tỷ lệ CASA là "từ khóa" quan trọng trong cuộc đua miễn giảm phí dịch vụ, bởi loại tiền gửi thanh toán này luôn có lãi suất thấp hơn 1%/ năm. Việc gia tăng nguồn tiền này sẽ giúp các ngân hàng tăng nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ cho các sản phẩm tài chính dịch vụ, nhất là trong bối cảnh CASA từ các tổ chức, tập đoàn kinh tế nhà nước gửi vào nhà băng không còn dồi dào như giai đoạn trước.
Huyền Anh