Gần đây, các ngân hàng cũng như chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo tình trạng lừa đảo, tập trung vào thanh toán trực tuyến. Trong đó, có hình thức lừa đảo gọi điện giả danh cơ quan chức năng, gửi đường link giả danh cơ quan Nhà nước, để lừa nạn nhân truy cập vào, từ đó dùng những thủ thuật và rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Đáng chú ý, những tháng gần đây có thêm hình thức lừa đảo mới. Theo đó, kẻ gian lừa người dùng tải các ứng dụng giả mạo về điện thoại, sau đó kích hoạt các quyền trợ năng để kiểm soát quyền truy cập điện thoại, nhằm chiếm đoạt các thông tin tài khoản ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất vẫn là chủ tài khoản phải nâng cao ý thức phòng chống lừa đảo. |
Tại hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng”, được tổ chức ngày 19/9, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.
Ông Nguyễn Trần Nam, giám đốc Khối Ngân hàng số ACB, cho hay đứng ở góc độ ngân hàng thì trong 3 năm vừa qua, nhận thấy có sự nở rộ các trường hợp lừa đảo sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Từ quý II/2023 tới nay, đang có thủ đoạn giả mạo ứng dụng thuế, bảo hiểm xã hội có chứa mã độc để theo dõi và đánh cắp thông tin giao dịch. Đối tượng lợi dụng một quyền trong hệ điều hành Android gọi là "Accessibility" - tạm dịch là quyền trợ năng.
Thủ đoạn là hacker dẫn dụ khách hàng click link và tải app có chứa mã độc. Kể từ đó, app giả mạo sẽ tiến hành theo dõi để thu thập thông tin đăng nhập mỗi lần khách hàng sử dụng app ngân hàng. Sau khi có đủ thông tin, hacker sẽ đợi khi tài khoản khách hàng có nhiều tiền hoặc khi khách hàng không để ý điện thoại (đêm khuya) để tiến hành remote vào điện thoại của khách hàng để chuyển tiền, chiếm đoạt.
Ông Lê Anh Dũng cho rằng, tình trạng lừa đảo xảy ra gây tổn hại rất lớn đến khách hàng và thách thức rất lớn cho cơ quan quản lý và ngân hàng, làm suy giảm niềm tin của khách hàng, tổn hại danh tiếng cho ngân hàng và ngân hàng tốn rất nhiều chi phí cho hoạt động phòng chống.
Thực tế, việc xử lý gian lận này không đơn giản. Để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng. Làm việc với Bộ Thông tin truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.
Theo thống kê, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy tới đây sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Qua đó cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là chủ tài khoản phải nâng cao ý thức phòng chống lừa đảo. Khách hàng giao dịch trên thiết bị lạ, hành vi lạ, giao dịch vào giờ lạ... sẽ được ngân hàng phân luồng xử lý riêng. Ngân hàng khuyến cáo khách hàng cũng nên ghi nhớ chữ "lạ" này để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Chữ lạ này là người lạ, yêu cầu lạ, link lạ…
"Khách hàng nên chậm lại để suy nghĩ thấu đáo. Chỉ cần 30 giây thôi sẽ chặn được rất nhiều hành vi lừa đảo, tránh trao "chìa khóa" cho các đối tượng lừa đảo", ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Huyền Anh