Chị B.T.H tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, ngày 2/11 chị nhận được tin nhắn thông báo, tài khoản thanh toán của chị đang bị xâm nhập và đề nghị khách hàng đăng nhập theo đường link www.vcbvbink.com để đổi mật khẩu.
Chị H làm theo hướng dẫn, bao gồm cả việc nhập mã OTP theo yêu cầu của kẻ gian thì số tiền 10 triệu đồng trong tài khoản đã bị chiếm đoạt, chuyển đi tài khoản của kẻ gian ở ngân hàng khác.
Trước đó, hàng loạt các thủ đoạn lừa đảo mà kẻ gian đã sử dụng trong thời gian qua được các ngân hàng liệt kê và khuyến cáo người dân cần cảnh giác. Đó là giả mạo nhân viên ngân hàng để lấy thông tin nhân thân, mật khẩu, số thẻ; chuyển nhầm tiền; nâng cấp sim điện thoại; thông báo tài khoản bị khoá; gửi thông báo trúng thưởng, tặng quà… sau đó các đối tượng yêu cầu khách hàng truy cập link để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin… nhằm chiếm đoạt mã OTP và lấy cắp tiền trong tài khoản của khách hàng.
Các vụ lừa đảo gia tăng vào thời điểm cuối năm khiến nhiều người sập bẫy dù ngân hàng liên tục cảnh báo. |
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho biết, các phương thức lừa đảo liên tục thay đổi. Ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), một vài thủ đoạn cũng đã bắt đầu hiện hữu. Ví dụ như lợi dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng các kịch bản lừa đảo tự động, mạo danh các định chế tài chính. Đáng nói, với tốc độ phát triển công nghệ tự động như hiện nay thì quy mô lừa đảo sẽ tác động đến hàng trăm ngàn đến hàng triệu người chứ không phải chỉ vài chục ngàn người như hiện nay.
Tổng Giám đốc Công ty CP an toàn thông tin CyRadar Nguyễn Minh Đức cho biết, ngân hàng là lĩnh vực bị tấn công mạng nhiều nhất với các thủ đoạn tấn công ngày càng đa dạng, tinh vi. Mặc dù so với các lĩnh vực khác, ngân hàng là lĩnh vực đầu tư bảo mật rất tốt. Mặc dù vậy, với các cuộc tấn công nhắm vào người dùng, ngân hàng cũng không thể kiểm soát hết được vì phụ thuộc vào ý thức bảo mật, trình độ của từng khách hàng. Chính vì vậy, nhiều chiêu thức lừa đảo dù đã cũ nhưng vẫn nhiều khách hàng bị sập bẫy.
Dịp cuối năm này, một số đối tượng còn giở chiêu trò, thủ đoạn mạo danh ngân hàng thu các loại phí sản phẩm dịch vụ, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân.
Trước tình trạng mạo danh lừa đảo gia tăng, nhất là trong giai đoạn cận Tết khi nhu cầu giao dịch, thanh toán tăng cao, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nhấn vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã xác thực một lần (OTP), mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; tuyệt đối không chuyển tiền phí, nợ gốc, nợ lãi hoặc hoặc phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân; các khoản phí nếu có luôn được ngân hàng, công ty bảo hiểm yêu cầu nộp hoặc chuyển vào tài khoản của ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm.
Trường hợp nghi ngờ thông tin tài khoản bị đánh cắp hoặc phát sinh giao dịch gian lận, khách hàng cần liên hệ đường dây nóng hoặc phòng giao dịch ngân hàng gần nhất.
Ngoài ra, người dùng có thể tra cứu xem trang web và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo hay không thông qua tính năng Tra cứu trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) do Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) cung cấp.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cũng lưu ý website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn.".
Thanh Hoa