Một số ngân hàng đang dẫn đầu thị trường khi trả lãi suất lên tới 8%/năm đến 8,21%/năm cho các kỳ hạn huy động tiền đồng từ 6 tháng trở lên gồm NamABank, CBBank và SCB. Đáng chú ý tại SCB, mức lãi suất huy động chỉ riêng ở kỳ hạn 6 tháng sẽ tăng dần từ 8,03%/năm lên 8,21%/năm tương ứng với số tiền gửi tăng dần.
Gần 20 ngân hàng đẩy lãi suất huy động ngắn hạn lên cao (Ảnh Internet) |
Ở nhiều kỳ hạn dài hơn như 7, 8, 9, 10 và 11 tháng, lãi suất huy động cao nhất tại SCB cũng tăng tương ứng từ 8,26%/năm đến 8,46%/năm. Tại một số ngân hàng khác như MSB, VPBank và GPBank, người dân khi gửi tiền tiết kiệm cũng được trả lãi suất tới 7,5-7,6%/năm khi gửi ở kỳ hạn 6 tháng.
Hàng loạt ngân hàng khác cũng đang trả lãi suất từ 7%/năm trở lên cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên như NCB, PVcombank, BaoVietBank, VietCapitalbank, VietABank, VIB, Eximbank, BacABank, TPBank, VietABank, SHB.
Các mức lãi suất đang được các ngân hàng này áp dụng là rất cao nếu so với mặt bằng lãi suất huy động phổ biến chỉ khoảng 5,5% đến cao nhất 6,6%/năm đang được phần đông các ngân hàng còn lại áp dụng.
Các số liệu thống kê mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cũng cho thấy, tính đến giữa tháng 9/2019, mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trên thị trường hiện nay vẫn chỉ phổ biến quanh mức 5,5-6,8%/năm.
Vũ Trọng