Số liệu thống kê cho thấy, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp bốn lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 200 công ty ở thời điểm hiện tại. (Ảnh: Int) |
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, trong quý I/2021, NHNN đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Hiện công nghệ phát triển với tốc độ tên lửa đã làm xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh (ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng…). Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng giữa hai lằn ranh sáng tối. Khoảng trống pháp lý này đang gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, cho người dùng và cả doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý cho Sandbox quá chậm gây cạnh tranh bất bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước.
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group cho rằng, có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm lẫn nhau để tạo thế độc quyền, vi phạm Luật cạnh tranh.
Bên cạnh đó, pháp luật về thuế đang không theo kịp sự phát triển của loại hình doanh nghiệp mới, còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài dù liên tục báo lỗ hàng năm, song doanh thu lại tăng trưởng vượt bậc.
Ngoài ra, hiện nay hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ dữ liệu giao thông, dữ liệu hạ tầng quốc gia… chưa tốt. Nhiều dữ liệu quan trọng đang được doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận quá dễ dàng. Vì vậy, các doanh nghiệp này khi thâm nhập thị trường Việt Nam thay vì bắt tay doanh nghiệp Việt lại phát triển độc lập, triệt tiêu doanh nghiệp trong nước.
“Những bất cập trên khiến chúng ta hiểu rằng, Việt Nam cần có hệ sinh thái số của riêng mình. Thế nhưng, ý chí của riêng doanh nghiệp là chưa đủ, Chính phủ cần phải vào cuộc, cần có chính sách thuận lợi hơn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với đối thủ nước ngoài”, bà Phương đề xuất.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, việc sớm đưa ra cơ chế pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính mới không những nâng cao hiệu quả quản lý mà còn rút ngắn thời gian xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, khi có văn bản pháp lý quy định về việc thử nghiệm các dịch vụ tài chính mới thì các Fintech và ngân hàng ở Việt Nam sẽ nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài.
Hoàng Hà