Theo các chuyên gia, sự phát triển như vũ bão của nhiều mô hình tài chính công nghệ (fintech) như ví điện tử, cho vay ngang hàng (P2P Lending)… đòi hỏi phải sớm có những quy định quản lý chưa từng có tiền lệ, trong đó cơ chế sandbox – một dạng hành lang pháp lý thử nghiệm – được xem là giải pháp hợp lý nhất.
Trả giá vì sự chậm trễ
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), cho biết trong khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã thực hiện cơ chế thử nghiệm pháp lý (cơ chế sandbox), duy chỉ còn Việt Nam vẫn đang bị bỏ lại phía sau vì vẫn tiếp tục “bàn” nhưng chưa thấy kết quả. Điều này khiến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, là nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số ngày càng trở nên xa vời.
Theo quan điểm của ông Đồng, môi trường pháp lý Việt Nam vẫn còn tình trạng “tranh tối, tranh sáng” và việc thực thi pháp luật còn thiếu sự nhất quán có thể tạo ra rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là rủi ro “hồi tố”, cũng như thất thoát cho Nhà nước như thất thu thuế, tạo ra các thị trường phi chính thức.
Trên thực tế, các DN Việt Nam và DN nước ngoài đều đang kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của “nền kinh tế chia sẻ” dù chưa có hành lang pháp lý chính thức.
Thời gian qua, sự bùng nổ của các startup fintech chủ yếu ở 3 lĩnh vực: vận tải, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch, công nghệ tài chính. Trong bối cảnh vẫn còn thiếu cơ chế sandbox cho các DN hoạt động và phát triển, việc thành lập DN ở nước ngoài để kinh doanh tại Việt Nam trở thành một kênh “phòng tránh rủi ro” pháp lý phổ biến.
Các DN fintech cũng thừa nhận DN hiện vừa làm vừa phải nghe ngóng về định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới. DN lo lắng về việc đầu tư, phát triển lĩnh vực này thì trong tương lai có bị ảnh hưởng gì từ quyết định của pháp lý hay không?
Chẳng hạn, quy định người dùng sử dụng ví điện tử bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng gây trở ngại không nhỏ cho việc phát triển fintech, bởi lĩnh vực mới này được tạo ra nhằm đảm bảo tất cả những người bị ngân hàng “bỏ quên” cũng có quyền tiếp cận tài chính.
P2P Lending cũng là một ví dụ điển hình. Hiện nay có không ít fintech tham gia vào việc kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mà không qua trung gian như ngân hàng. P2P Lending cơ bản mới chỉ được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự (2005, 2015) như một khoản vay thông thường, nhưng luật này chỉ nêu những nguyên tắc chung trong giao dịch giữa cá nhân với nhau và được xem là “không đủ” để điều phối mối quan hệ P2P Lending. Nếu công ty fintech chỉ có nhiệm vụ liên kết trung gian thì trách nhiệm sẽ do hai bên vay nợ giải quyết, nhưng các chuyên gia cho rằng cũng không loại trừ khả năng sẽ có thể nảy sinh những công ty fintech huy động vốn bằng nhiều cách để cho vay lại khi hành lang pháp lý còn sơ sài. Điều này tiềm ẩn các nguy cơ xâm phạm quyền người tiêu dùng và rủi ro rửa tiền.
Ngoài ra, thiếu cơ chế sandbox cũng đang gây thất thoát cho Nhà nước như thất thu thuế, tạo ra các thị trường phi chính thức như trường hợp đồng Bitcoin chưa được các cơ quan quản lý ban hành cơ chế pháp lý để quản lý, không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp, chưa được công nhận là hàng hóa hay dịch vụ, nên cơ quan thuế cũng bãi bỏ quyền thu thuế của mình.
![]() |
Cơ chế sandbox thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ |
Phá rào tư duy
Theo các chuyên gia, việc ban hành cơ chế sandbox cho fintech sẽ thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.
Thực tế cho thấy sự xuất hiện của hàng loạt fintech đang làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đa phần fintech hiện còn hoạt động theo kiểu tự phát.
Năm 2008, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép thí điểm mô hình trung gian thanh toán và 10 năm sau, Việt Nam có cả một thị trường thanh toán điện tử trị giá hàng tỷ USD. Rõ ràng là sự mạnh dạn của cơ quan quản lý có thể làm thay đổi cả cục diện thị trường, mở ra một ngành công nghiệp mới.
Với fintech, đòi hỏi có thể còn cao hơn nhiều, trong khi đến nay, chưa bộ, ngành nào tại Việt Nam ban hành cơ chế sandbox trong lĩnh vực mình phụ trách. Hiện, NHNN là đơn vị đầu tiên trình đề án sandbox thuộc lĩnh vực quản lý lên Chính phủ với nhiều cơ chế chưa từng có. Đề án này đang thắp lên hy vọng được cởi trói cho các fintech, nhất là các mô hình kinh tế chia sẻ mới như ví điện tử, P2P Lending… Thông qua cơ chế thử nghiệm, NHNN sẽ chủ động nắm bắt được sự vận động của thị trường, thúc đẩy sự phát triển của cái mới nhưng vẫn đảm bảo được quản lý hiệu quả các ý tưởng mới, hạn chế tối đa rủi ro.
Những đòi hỏi của thị trường đang buộc cơ quan quản lý phải nhanh chóng ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển của DN, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ý tưởng, các mô hình kinh doanh mới.
Kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế cho thấy khi xây dựng và triển khai cơ chế sandbox cần có những quyết định đột phá, thậm chí đi ngược với truyền thống. Vì vậy, để các cơ quan quản lý mạnh dạn triển khai sandbox, Chính phủ cần trao thêm quyền và ban hành những quy tắc miễn trừ nhất định để các bộ, ngành có động lực xây dựng và triển khai sandbox.
Một yếu tố nữa là cơ chế sandbox đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT… Do đó, nhằm đẩy mạnh triển khai cơ chế sandbox và điều phối nhịp nhàng hơn, Chính phủ có thể cân nhắc thành lập tổ công tác về sandbox gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành này. Đây cũng là “bộ phận một cửa” tiếp nhận hồ sơ đăng ký sandbox, cấp phép thực hiện và giám sát thực thi các hồ sơ được thử nghiệm… như mô hình mà Nhật Bản đang triển khai.
Thanh Hoa
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT công ty Nextech Chậm triển khai cơ chế sandbox, Việt Nam sẽ đối mặt với 5 hệ luỵ bao gồm: cản trở sáng tạo; gây lãng phí xã hội khi thiếu những cơ chế cụ thể giúp các hoạt động được triển khai nhanh chóng, thuận tiện hơn thông qua các mô hình điện tử; bất ổn đến xã hội; thất thu ngân sách nhà nước do DN sẽ tìm đến các kênh khác như thanh toán chui, thanh toán lậu…; dễ dẫn đến cản trở trong hoạt động đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Việt Bình - CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca DN luôn ủng hộ việc ban hành cơ chế sandbox trong lĩnh vực fintech, điều này sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các DN fintech, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ ngân hàng và tài chính toàn diện, từ đó thúc đẩy xã hội hướng đến phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hy vọng Chính phủ sẽ sớm có sự ủng hộ sandbox “không phải chỉ bằng lời nói, mà phải bằng văn bản” và “không dùng khung pháp lý truyền thống để quản lý ý tưởng kinh doanh mới” để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho các DN startup. Ông Nguyễn Hoa Cương - Tổ trưởng Tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy ưu đãi và khuyến khích là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư và nhân tài cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, mục tiêu là phải tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất trong khung khổ pháp luật, phấn đấu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa, là yếu tố quan trọng hàng đầu để Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thành công. |