Các ngân hàng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đưa ra dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng. (Ảnh: Int) |
Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm sandbox trong hoạt động công nghệ tài chính (fintech) có 7 lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị sandbox gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P) hay cho vay online, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử (eKYC), giao diện lập trình ứng dụng mở, ứng dụng blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).
Theo đó, các fintech muốn tham gia sandbox phải là pháp nhân, được kiểm toán báo cáo tài chính bởi đơn vị uy tín, có báo cáo thuế… chứng minh hoạt động minh bạch.
Thời gian gần đây chuyển đổi số, ngân hàng số luôn là chủ đề "nóng" được các các bộ, ngành đưa ra thảo luận tại các diễn đàn, hội thảo. Trong đó, vấn đề được nhiều người mong đợi nhất là cơ quan quản lý sớm ban hành cơ chế thử nghiệm sandbox trong fintech.
Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam, điển hình trong lĩnh vực ngân hàng, hầu hết các nhà băng đã cho ra đời nhiều dịch vụ số hoá như: Internet Banking, Live Banking...
Bên cạnh đó cũng có nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ. Ví dụ mô hình P2P lending, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu người dùng... Tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều đang hoạt động cầm chừng, khó phát triển do chưa có một hành lang pháp lý cụ thể để doanh nghiệp thực hiện.
Trong khi đó, lợi dụng khung pháp lý chưa được ban hành, nhiều doanh nghiệp trá hình, biến tướng phát triển như là mô hình P2P lending cho vay nặng lãi ngày càng bùng nổ, dồn nhiều người vào cảnh khó khăn.
Hay như việc thiếu hàng lang pháp lý, tràn lan cho vay “lậu”, thanh toán “lậu”, chuyển tiền ra biên giới “lậu”… qua các app khiến ngân sách thất thu, cơ quan quản lý không giám sát được dòng tiền.
Cùng với đó, thiếu hụt khung pháp lý thử nghiệm sandbox cũng khiến vấn đề an ninh, an toàn bảo mật và bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều kẽ hở.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm phù hợp, để vừa khu biệt rủi ro, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, thì chúng ta sẽ có nguy cơ tụt hậu so với thế giới và không giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tế. Việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách.
Dự báo, tới năm 2025, hơn 30% doanh thu của ngân hàng sẽ đến từ các mô hình mới bắt tay cùng fintech, số vụ giao dịch qua ví điện tử có khả năng vượt số vụ giao dịch qua tài khoản ngân hàng, các khoản vay tiêu dùng cũng sẽ được giải ngân chủ yếu qua mạng…
Thực tế, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng được nhiều lần xin ý kiến các bộ, ngành. Tuy nhiên, sự thận trọng của các bên khiến Dự thảo Nghị định đến nay chưa thể hoàn tất.
Trước tình hình này, các chuyên gia đánh giá phải giữa năm sau, cơ chế thử nghiệm chính thức cho sandbox mới có thể xuất hiện.
Huyền Anh