Kênh tiết kiệm được nhà đầu tư ưu tiên trong mùa dịch (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo đánh giá của SSI Research, xu hướng "hút tiền" thực tế đã được cơ quan quản lý triển khai từ tuần giáp Tết Nguyên đán. Số dư tín phiếu đã lên tới 120.000 tỷ đồng, là mức cao nhất kể từ 7/2018 đến nay, thể hiện thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào.
Chọn tiết kiệm hay chứng khoán?
Chị Huyền My, một nhà đầu tư cho biết, trước đây tiền nhàn rỗi thường được chị đầu tư vào chứng khoán, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường luôn chìm ngập trong sắc đỏ, chị đã quyết định rút tiền về gửi ngân hàng cho an toàn.
“Sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán bắt đầu sụt giảm, tôi chấp nhận lỗ gần 200 triệu đồng, bán hết cổ phiếu và rút tiền về gửi vào ngân hàng. Nếu vẫn giữ cổ phiếu đến bây giờ, số tiền thiệt hại có thể lên đến gấp 3 lần”, chị My cho hay.
Ngoài ra, nhà đầu tư này cho biết khi các thông tin về ca nhiễm Covid-19 mới liên tục được công bố trong hơn một tuần trở lại đây đã tác động tiêu cực không chỉ đến thị trường chứng khoán, thị trường vàng cũng nhiều phen “hỗn loạn”, còn bất động sản dường như “đóng băng”.
“Diễn biến tình hình dịch bệnh khó đoán, chưa biết khi nào hết dịch. Trong bối cảnh hiện nay, gửi tiền vào ngân hàng sẽ an toàn hơn các kênh đầu tư khác”, chị My chia sẻ.
Ở một góc nhìn rộng hơn, một nhà đầu tư cho rằng ngoài kênh gửi tiền vào ngân hàng, thì đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng là sự lựa chọn an toàn lúc “giông bão” này, tuy nhiên, lựa chọn doanh nghiệp để "gửi vàng" rất quan trọng.
“Trên thị trường, Masan, Vingroup, Sovico… là những doanh nghiệp huy động hàng tỷ USD từ kênh trái phiếu. Việc chi trả lãi suất 8-10%/năm khá cao và ổn định hàng năm. Song cũng có doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất 18-20%/năm và sử dụng vốn sai mục đích hoặc nợ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Việc vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế”, nhà đầu tư này cho hay.
Trong khi đó, một chuyên gia về vàng đưa ra đánh giá, với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm và am hiểu về thị trường vàng có thể chọn kênh này để đầu tư. Theo dự báo, khả năng giá vàng sẽ tăng từ 7 - 10% tính đến trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Về ngắn hạn, các nhà đầu tư có thể tham gia thị trường vàng trong thời điểm dịch này nhưng phải tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ - chốt lời nghiêm ngặt.
Kênh tiết kiệm "an lành" nhất
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư thông dụng nhất tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, kênh này lại càng được ưu tiên nhất.
Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, bất động sản vào thời điểm hiện tại khá nhạy cảm với dịch Covid-19 nên có những biến động khó dự báo. Đối với những người có tâm lý lo ngại, muốn bảo toàn vốn thì việc gửi tiết kiệm ngân hàng là một kênh tốt nhất.
Đồng tình, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam Phan Dũng Khánh nhận định: "Dịch Covid-19 khiến dòng tiền tiếp tục có xu hướng rót vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ... Trong đó, việc gửi tiền vào ngân hàng cũng mang tính linh động vì nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội”.
Số liệu thống kê của các công ty chứng khoán cũng cho thấy, dòng tiền vẫn chọn ngân hàng để tích luỹ an toàn.
Theo đánh giá của SSI Research, xu hướng "hút tiền" thực tế đã được cơ quan quản lý triển khai từ tuần giáp Tết Nguyên đán. Số dư tín phiếu đã lên tới 120.000 tỷ đồng, là mức cao nhất kể từ 7/2018 đến nay.
Riêng trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 95.000 tỷ đồng, tương đương với lượng tiền đồng được bơm ra thị trường qua các giao dịch mua ngoại tệ trong tháng 1/2020.
Một lý do khác của động thái hút tiền là thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn dồi dào. Lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh trong tuần đầu và duy trì ở mức thấp trong cả tháng 2, chốt tháng ở mức 2,25% với kỳ hạn qua đêm và 2,53% với kỳ hạn 1 tuần.
"Với định hướng hiện tại, lãi suất trên liên ngân hàng nhiều khả năng vẫn dao động ở vùng hiện tại trong tháng 3", SSI Research bình luận.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: "Tăng trưởng tín dụng thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng tiền về qua kênh tín phiếu".
Trong tuần 2-6/3, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 25.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu; kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn.
Thanh Hoa