Trong tờ trình báo cáo Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, Nghị định 132 hiện đang quy định trường hợp ngân hàng cho doanh nghiệp vay trên 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay, giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là các bên có quan hệ liên kết.
Trong trường hợp này, chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cơ sở xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế. Phần chi phí lãi vay vượt quá 30% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết vào quý I/2024 để trình Chính phủ ban hành. |
Đánh giá thực tiễn triển khai và áp dụng Nghị định 132, Bộ Tài chính cho rằng trường hợp doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng nhưng các đơn vị này không điều hành, kiểm soát, góp vốn, không quyết định với doanh nghiệp đi vay thì về bản chất không phải là các bên có quan hệ liên kết.
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 132 cũng quy định nguyên tắc để xác định các bên có quan hệ liên kết là một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia hoặc trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của bên khác.
Để thống nhất giữa khoản 1 và khoản 2 Điều 5 cũng như phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính đề xuất sửa Nghị định 132 để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết với trường hợp ngân hàng (không tham gia điều hành, kiểm soát hoặc góp vốn vào doanh nghiệp hoặc chịu sử kiểm soát, góp vốn đầu tư của bên khác) bảo lãnh hoặc cho doanh nghiệp vay vốn.
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, khi vay ngân hàng, doanh nghiệp sẽ không phải xác định quan hệ liên kết dù khoản vay vượt 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn. Do không cần xác định quan hệ liên kết, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ không phải chịu quy định khống chế trần lãi suất 30% khi đi vay theo quy định áp dụng với những doanh nghiệp có giao dịch liên kết như hiện tại.
Quy định khống chế trần chi phí lãi vay này, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp với Bộ Tài chính, là "không hợp lý" và đề xuất Chính phủ sửa đổi. Theo họ, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Cấp tín dụng cũng là hoạt động kinh doanh thông thường của ngân hàng.
Trong khi đó, doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các doanh nghiệp BOT thường vay ngân hàng đến 80% vốn, do đó khi bị khống chế chi phí lãi vay sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Dự kiến, Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị định vào quý I/2024 để trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 vào quý III.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã kiến nghị lên Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ sửa Nghị định 132 theo hướng bỏ trần 30% vì cho rằng quy định này không hợp tình, hợp lý và đã làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.
Cùng với đó có thể làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, HoREA cho hay.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.
Chia sẻ với báo chí về Nghị định 132, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Anvi phân tích: “Với khoản đi vay thì vay ngân hàng hay đâu đó là khoản vay cần thiết, chính đáng, là hợp pháp, hợp lệ, là chi phí thật, là khoản chi thật, nhưng giờ lại không được tính vào chi phí. Giả sử tính vào đầu này có giảm đi thì giá thành hoặc là đầu khác nộp thuế tăng lên. Cần phải xem lại Nghị định này, thậm chí bỏ hoàn toàn với doanh nghiệp Việt Nam, chỉ áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác và chi phí huy động vay vốn là hoàn toàn thật hợp lý, hợp lệ”.
Thanh Hoa