Theo các chuyên gia, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 về quản lý thuế với các giao dịch liên kết là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay thì nên hướng tới mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp, bởi đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp cho biết, sau 3 năm thực thi Nghị định 132 bộc lộ nhiều bất cập gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp vừa chịu “cú giáng” nặng nề từ COVID-19 và đến nay là suy thoái kinh tế.
Đáng chú ý, trong số những bất cập này phải kể tới quy định khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% EBITDA (tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ). Tỷ lệ này có nghĩa nếu chi phí lãi vay vượt mức 30% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của đơn vị.
Ví dụ, Công ty A cho công ty B mượn địa điểm, mượn kho, hay đơn giản chỉ là đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm đi vay ngân hàng quá 25% vốn chủ sở hữu…, tất cả những giao dịch này đều được coi là phát sinh giao dịch liên kết, dù không có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế nhưng vẫn phải chịu khống chế chi phí lãi vay không được vượt quá 30% theo Nghị định 132.
Hơn nữa, với quy định trần lãi vay 30% khiến doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng đi vay 10 đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 7-8 đồng, gây thiệt hại, làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh nhưng không dám đi vay vì theo Nghị định 132 thì vốn vay không được tính vào chi phí hợp lệ. |
Theo các chuyên gia, Nghị định 132 nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Bởi, các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp trong nước dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần loại trừ tất cả chi phí lãi vay mà hợp lý, hợp lệ cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, Hội Tư vấn thuế cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 132 cần làm rõ các trường hợp được cho là có giao dịch liên kết, tránh để chung chung, khó hiểu như hiện nay.
Đối với một số doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá, theo các chuyên gia, ngành thuế hoàn toàn có công cụ để thanh tra, kiểm tra và xử lý. Không thể chỉ vì một số doanh nghiệp sai phạm mà kìm hãm nhu cầu vay vốn chính đáng của tất cả doanh nghiệp còn lại.
Để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, từ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 132. Doanh nghiệp rất vui mừng và kỳ vọng Nghị định sửa đổi sẽ sớm được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau gần 4 tháng, việc sửa đổi vẫn gần như chưa có tiến triển. Hồi cuối tháng 10, Tổng cục Thuế có văn bản xin ý kiến của các vụ, cục trong Bộ Tài chính về việc sửa đổi.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã nghiên cứu và tổng hợp ý kiến các bộ ngành và dự kiến sẽ trình Chính phủ xin chủ trương phê duyệt cho việc sửa đổi Nghị định 132 đúng vào quý IV năm nay như yêu cầu của Chính phủ.
Đối với quy định chi phí lãi vay không quá 30%, ngành thuế đang nghiên cứu để sửa đổi trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, bà Tô Kim Phượng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Thuế thông tin.
Về tiến độ sửa đổi Nghị định 132, theo đại diện Tổng cục Thuế, việc sửa đổi phải thực hiện theo đúng trình tự, bao gồm nhiều bước từ lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, tiếp thu, chỉnh lý, thẩm định… do vậy cũng phải mất khá nhiều thời gian.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng với doanh nghiệp thì chính sách có ý nghĩa sống còn. Chính sách chậm thì thiệt hại với doanh nghiệp vừa là tiền, vừa là cơ hội. Với hàng nghìn doanh nghiệp có liên quan thì thiệt hại của sự chậm trễ này là vô cùng lớn.
“Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì Bộ Tài chính có thể đẩy nhanh, làm nhanh và chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm cởi các nút thắt pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế”, chuyên gia này nhấn mạnh
Thanh Hoa