Cụ thể, theo ông Nghĩa, hiện nay, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng quá nhỏ, khó tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương hiện lên tới hơn 100 tỷ USD - cao gấp 4 lần năm 2009. Đây là nguồn lực có sẵn rất lớn, Chính phủ nên hoán đổi một phần số ngoại tệ này để lấy nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.
![]() |
IMF dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm nay tăng lên 113,7 tỷ USD. |
Tuy nhiên, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là để phục vụ điều hành tỷ giá. “Chính sách tỷ giá của một quốc gia là vô cùng quan trọng. Chính sách tỷ giá ổn định thì doanh nghiệp, người nắm giữ ngoại tệ, doanh nghiệp FDI mới yên tâm, không sinh ra kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá thay đổi. Ngân hàng Nhà nước phải nỗ lực rất nhiều năm mới đạt được mức dự trữ quốc gia như hiện nay. Vì thế, sử dụng quỹ dự trữ này là vấn đề đại sự”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây đã góp phần ổn định tỷ giá. Bằng chứng là trong suốt 2 năm qua, đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới. Tại nhiều quốc gia, đồng nội tệ đã mất giá mạnh bởi đà tăng giá của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. VND là một trong số ít đồng tiền ổn định, thậm chí tăng giá so với USD.
Theo ghi nhận của VnBusiness, tại các ngân hàng thương mại, 2 tháng qua, bất chấp cơn sốt giá vàng, tỷ giá USD vẫn khá ổn định. Điển hình, tại Vietcombank, giá bán USD gần 2 tháng qua chốt chặn quanh mức 22.860 đồng/USD, giá mua ở mức 22.630 đồng/USD.
Với các nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, IMF đưa ra khuyến nghị dự trữ ngoại hối nên ở mức 4 - 4,5 tháng nhập khẩu. Như vậy, mức dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam (vào khoảng hơn 100 tỷ USD) ở mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế.
Công ty chứng khoán SSI phân tích, cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm, trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh vào cuối năm. Nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế, cùng với sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước, sự chuyển dịch của chuỗi giá trị sản xuất vào Việt Nam, cán cân vãng lai vẫn tiếp tục xu hướng thặng dư, thậm chí thặng dư lớn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục mua dự trữ ngoại hối để ổn định đồng tiền.
Đồng tình, nhiều ý kiến đánh giá, quy mô hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ bé, cần phải gia tăng, song nếu lấy từ “kho” dự trữ ngoại hối quốc gia thì hậu quả sẽ rất khó lường. Bởi trên thực tế, quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện chỉ tương đương 4 tháng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Với các nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra khuyến nghị dự trữ ngoại hối nên ở mức 4 - 4,5 tháng nhập khẩu. Như vậy, mức dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam ở mức tối thiểu theo thông lệ quốc tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định, chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động như hiện nay.
Bình luận về đề xuất hoán đổi một phần ngoại tệ để lấy nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, quỹ dữ trữ ngoại hối chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt.
Hiện nay, nền kinh tế thế giới được dự báo là khó khăn và bất định hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2020. Nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu dự trữ ngoại hối không đủ lớn thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, theo ông Thành, Chính phủ có thể đi vay, vay nước ngoài hoặc vay trong dân.
Huyền Anh