Theo ước tính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040, tương đương 368 tỷ USD. Một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác, và như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư xanh rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu với tài chính xanh
Tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty với chủ đề "Khơi nguồn Tài chính Xanh và Quản trị Xanh" ngày 22/11, các chuyên gia cho rằng bên cạnh nguồn lực công, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần là tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Danh mục phân loại xanh quốc gia hiện vẫn chưa có khung pháp lý để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn và cấp tín dụng xanh. |
Ông Lương Hải Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhìn nhận, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú. Thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ tại Việt Nam.
Các chuyên gia khẳng định, muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh thì doanh nghiệp cần phải “xanh từ trong quản trị doanh nghiệp”. Để làm được điều này, trước hết doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh; xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm với môi trường và xã hội; thực hiện quản trị xanh để nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ tài chính xanh ưu đãi từ thị trường tài chính xanh trong và ngoài nước.
“Khi đáp ứng được các điều kiện về doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn thị trường từ 0,5-2%/năm; Đồng thời, ngân hàng sẽ phối hợp với các định chế tài chính để cho vay lại với lãi suất ưu đãi tuỳ theo từng ngành nghề và đối tác của ngân hàng. Ngân hàng chỉ giữ lại một phần nhỏ chênh lệch đủ bù đắp cho rủi ro, không cho vay vì mục tiêu lợi nhuận”, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), hiện nay, đa phần doanh nghiệp không nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh.
Trong gần 2 năm qua, số doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít, phần lớn các công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu để làm.
Hoàn thiện khung pháp lý để ngân hàng huy động và cho vay xanh
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Ông Phạm Như Ánh cho biết danh mục phân loại xanh quốc gia hiện vẫn chưa có khung pháp lý để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn và cấp tín dụng xanh.
“Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay. Trong khi đó, chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn dài hạn, ưu đãi”, ông Ánh nói.
Vì vậy, MB đang tạm lấy tiêu chuẩn ESG là cắt giảm khí phát thải nhà kính từ 20% trở lên. Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động nhằm đánh giá doanh nghiệp xanh để cấp tín dụng xanh.
Nguồn vốn tín dụng xanh tại MB tăng trưởng tích cực. Năm 2020, chuyển dịch cho vay các khách hàng xanh của MB đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, năm 2023 có khoảng 55 nghìn tỷ đồng đã giải ngân, chiếm 11% tổng dư nợ MB. Dự kiến đến năm 2026 có 15% tổng dư nợ cho vay (khoảng 1,3 triệu tỷ đồng) tại lĩnh vực xanh, tương đương khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Darryl James Dong, Kinh tế trưởng IFC tại Việt Nam, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và 5 năm sau đó hướng đến việc đưa phát thải ròng bằng 0, đều là những mục tiêu rất lớn và đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ để thực hiện.
“Để tài trợ cho một tương lai ít carbon như vậy, chúng ta cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu và các công cụ trung gian”, ông Darryl James Dong nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng xanh và ngân hàng có cơ sở để cho vay, ông Ánh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh chóng ban hành hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và tiêu chí phân loại xanh, có tính tới sự phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành tốt (GAP) để các tổ chức tín dụng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…
Bên cạnh đó, với “room” tín dụng cấp hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiêu chí tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng, cấp tín dụng đối với các ngân hàng có tỷ trọng cấp cho lĩnh vực tín dụng xanh ở mức cao, nhằm khuyến khích các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu, tạo danh mục tín dụng xanh, tín dụng bền vững.
Ông Lương Hải Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng cho rằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh, qua đó giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán cần được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thanh Hoa