Năm nay, kế hoạch kinh doanh được MSB đề ra rất thận trọng: Tổng tài sản 230.000 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng tăng 9%; dư nợ tín dụng dự kiến 141.700 tỷ đồng, tăng 15% (tùy theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ), huy động vốn tăng 10%, nợ xấu duy trì dưới 3% theo quy định.
Chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn cho năm nay, lãnh đạo MSB cho biết, năm nay, mục tiêu ưu tiên của ngân hàng là phát triển bền vững, tập trung công tác quản trị vững mạnh, tiếp tục gia tăng hàm lượng số hóa trong sản phẩm – dịch vụ.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của MSB |
Thông tin về kết quả kinh doanh quý I, đại diện MSB cho biết: Trong quý I, tổng tài sản ngân hàng ước đạt 236.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022; Tín dụng tăng 13,17%; Cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng 2%; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng; CAR theo quy định là 11,5%; NIM đạt 5,1%.
Trong phần thảo luận, cổ đông chất vấn HĐQT MSB: "Sáp nhập ngân hàng là việc rất quan trọng, chúng tôi muốn nghe ý kiến của các cổ đông lớn về việc có sáp nhập hay không. Hiện tại nhiều chỉ tiêu của ngân hàng chưa đạt kế hoạch thì liệu vấn đề này đặt ra có vội vàng quá hay không?".
Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn cho biết: Vấn đề sáp nhập ngân hàng, HĐQT không quyết mà đưa ra xin ý kiến cổ đông và việc này cũng phải phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của NHNN. NHNN sẽ kiểm tra đánh giá xem năng lực của MSB có đủ khả năng hay không mới phê duyệt. Đây mới là chủ trương. Đồng ý hay không đồng ý, cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết.
Theo đó, ĐHĐCĐ đã không thông qua tờ trình về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác. Chỉ hơn 56% cổ đông tham dự đồng ý với phương án nhận sáp nhập, chưa đạt tỷ lệ cần thiết là 65%.
Một vấn đề được cổ đông quan tâm đó là chia cổ tức. Tuy nhiên, theo tài liệu đại hội, năm nay MSB dự kiến sẽ không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng. Lý do được cho là do tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý. HĐQT đề xuất cổ đông giữ nguyên vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại, khi tình hình tích cực hơn sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp với lợi nhuận tạo ra năm 2023. Kết thúc năm 2023, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 3.923 tỷ đồng.
Cổ đông thắc mắc: "Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế là 5.700 tỷ đồng, cùng với đó hệ số CAR 12,9% ở mức khá cao nhưng không chia cổ tức để tăng lợi ích cho cổ đông?", Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Không phải ngân hàng không chia cổ tức. Lợi nhuận để lại ngoài việc trích lập quỹ, phần còn lại là tài sản, giá trị của cổ đông. Tuy nhiên, ngân hàng vừa tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh cũng kỳ vọng có thể thể bán FCCOM với mức lợi nhuận cao, lúc đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn.
"Sẽ thực hiện chia cổ tức nhưng ở thời điểm hiện tại đang cân nhắc tỷ lệ để thực sự hấp dẫn. Tôi vẫn khẳng định lợi nhuận để lại là thuộc quyền lợi và tài sản của cổ đông, không có lựa chọn nào khác", ông Linh nói.
Cũng tại ĐHĐCĐ, chia sẻ thông tin về lý do thoái vốn chưa thành công khỏi FCOM, HĐQT ngân hàng cho biết, năm vừa qua, Hội đồng điều hành MSB đã làm việc với nhiều đối tác là các định chế tài chính nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng về việc bán vốn cổ phần của MSB tại FCCOM. Các phương án đàm phán được lựa chọn bao gồm bán một phần hoặc 100% vốn tại FCCOM để MSB tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi.
Kế hoạch này bước đầu diễn ra khá thuận lợi với nhiều định chế tài chính quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trên thế giới. Thêm vào đó, NHNN tăng lãi suất huy động kéo theo dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán khiến giá cổ phiếu toàn thị trường sụt giảm mạnh. Các yếu tố bất lợi này đã làm ảnh hưởng đến giá chào mua ban đầu của các đối tác, khiến cho việc đàm phán thoái vốn chưa thể hoàn thiện trong năm 2022.
Để đảm bảo bảo lợi ích cho cổ đông, Ban lãnh đạo MSB nghiên cứu lại các phương án mới, không loại trừ sẽ tìm ra định hướng chiến lược mới cho FCCOM. Dự kiến, kế hoạch thoái vốn này sẽ được nghiên cứu kỹ hơn và có khả năng khởi động lại, triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn trong năm 2023-2024 và sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua theo quy định.
Thanh Hoa