Tại họp báo Diễn đàn Mua bán – sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam 2019 với chủ đề "Thay đổi để bứt phá", các chuyên gia cho rằng lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam đang có sức hút lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là bởi Việt Nam là một thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, do đó các nhà đầu tư quan tâm tới tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng… – vốn được xem là "mỏ vàng" ở Việt Nam.
Nhà đầu tư Hàn Quốc áp đảo
Theo các thống kê chưa đầy đủ, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD. Trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt.
Đáng chú ý, vượt qua Singapore, Hồng Kông và một số quốc gia trong khu vực, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư số 1 về M&A tại Việt Nam.
Trong đó, nổi bật là thương vụ KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần của Ngân hàng BIDV ngày 22/7 vừa qua. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành ngân hàng còn nhiều cái tên trong tầm ngắm cho các thương vụ M&A lớn, vì cùng với Agribank năm nay phải cổ phần hóa, nhiều ngân hàng còn room ngoại lớn mà Nhà nước có định hướng thoái vốn như Vietcombank, VietinBank, BIDV. Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần muốn bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại.
Đại diện Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội chia sẻ, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam. Không chỉ có KB, KEB Hana Bank mà hiện nay còn có 4 ngân hàng lớn khác cũng đang rất quan tâm vào thị trường Việt Nam .
Đặc biệt, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc không chỉ quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng mà cả lĩnh vực tài chính như Lotte quan tâm đến mảng tài chính tiêu dùng của Techcombank. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm đối tác tại Việt Nam.
Cũng theo đại diện KOTRA, xu hướng sắp tới, việc M&A của Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và bền vững.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù nhiều nhà đầu tư coi thị trường tài chính-ngân hàng Việt Nam là "mỏ vàng" và mong muốn được sở hữu, song số lượng các thương vụ thành công trong thời gian qua rất ít. Vậy, đâu là nguyên nhân chính tạo nên sự chậm trễ trong M&A ngân hàng?
Đã có một số nhà đầu tư ngoại nhòm ngó các ngân hàng, song việc đàm phán chưa thể một sớm một chiều |
Dòng vốn tư nhân hướng vào M&A
Có thể kể ra một số thương vụ M&A ngân hàng hiện đang trong trạng thái treo, thậm chí một số vụ đã đàm phán một thời gian thì huỷ như thương vụ HDBank và PGBank, hay thương vụ BIDV và KEB Hana Bank phải mất vài năm thương thảo, mới đây mới chốt được. Hoặc một số ngân hàng nước ngoài muốn mua ngân hàng 0 đồng Việt Nam nhưng vẫn chưa đi đến "hồi kết".
Dưới góc độ đơn vị tư vấn, luật sư Vũ Sơn Tùng, Giám đốc công ty Legal United Law, cho rằng tài chính là một lĩnh vực phức tạp. Nhà đầu tư phải thương lượng với ngân hàng vấn đề quan trọng nhất về tỷ giá. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn đang hoạt động, nên việc này cũng có thể làm thay đổi tỷ giá.
"Việc đưa ra tỷ lệ hoán đổi trong trường hợp sáp nhập như BIDV với KEB Hana Bank, nhà đầu tư và ngân hàng phải định giá như thế nào khi phát hành cổ phiếu và đưa ra kế hoạch kinh doanh ra sao để tính thặng dư đó", ông Tùng nói.
Trong quá trình đàm phán, ông Tùng cho rằng khi thời gian thay đổi thì môi trường tài chính cũng thay đổi.
Nếu đợt đàm phán kéo dài vài tháng thì điều kiện kinh doanh của ngân hàng đã thay đổi, bắt buộc họ lại phải đàm phán lại điều khoản đó. Điều này dẫn đến thương vụ rơi vào tình trạng "con gà quả trứng". Nghĩa là phải giải quyết được việc này thì mới đàm phán được các yếu tố tiếp theo, nhưng khi đàm phán được vấn đề này rồi thì lại thay đổi.
Theo kinh nghiệm trong quá trình tư vấn luật cho các thương vụ M&A, ông Tùng chia sẻ: "Cả nhà đầu tư và ngân hàng, doanh nghiệp đều muốn làm thật nhanh không muốn kéo dài, bởi vì khi quyết định có đầu tư hay không, nhà đầu tư đã định giá doanh nghiệp rồi, nên để thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc định giá đó".
Theo nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, các hoạt động M&A sẽ tăng trong năm tới bao gồm cả đầu tư và mua lại để có quyền kiểm soát tại các doanh nghiệp tiềm năng.
"Chúng tôi hy vọng các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng, sẽ hướng tới dòng vốn tư nhân để huy động vốn, vì nhu cầu vốn của họ khá cao", ông Andy Ho nói.
Có thể thấy rằng, ở khía cạnh là bên mua, các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế áp đảo, còn các doanh nghiệp Việt Nam hiện giữ vai trò thụ động là bên bán.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, với nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt là sự trỗi dậy của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gần đây, rất có thể sẽ chứng kiến xu thế đảo ngược khi các doanh nghiệp Việt Nam giữ vai trò bên bán, nắm thế chủ động trên thị trường M&A trong thời gian tới.
Huyền Anh