Ban tổ chức Diễn đàn M&A, cho biết tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,6 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.
Có 2 thương vụ M&A lớn giai đoạn 2018-2019 (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% so với cùng kỳ năm 2018). Còn theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước 6 tháng đầu năm đạt 2,64 tỷ USD.
Các thương vụ sôi động nhất giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính, tiêu dùng, bán lẻ, thuỷ sản, logicstic, giáo dục...
Nếu như năm 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A của Việt Nam.
Tham gia vào các thương vụ nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn từ tháng 7/2018-7/2019).
Có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng - Vinaconex (thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn) và Sai Gon Coop - Auchan (thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam).
Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6-6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn nữa.
Theo ban tổ chức, Diễn đàn M&A sẽ chính thức được tổ chức tại Tp.HCM với chủ đề "Thay đổi để bứt phá" vào đầu tháng 8/2019.
Phạm Minh