NHNN vừa có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Cụ thể, văn bản cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu ; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân giao.
NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42. |
Cùng với đó, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, Thi hành án dân sự, cơ quan thuế, Tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại TCTD để khách hàng hiểu rõ quyền của TCTD trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng, nếu để nợ xấu tăng cao mà không xử lý kịp thời có thể gây đổ vỡ ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để thị trường mua bán nợ phát triển, cần đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia thị trường, hoạt động xử lý nợ phải công khai minh bạch và hợp pháp, cần thành lập các tổ chức quản lý và giám sát thị trường một cách chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ, cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch.
PV