Giá nhà, đất ở nhiều khu vực tăng nóng nhưng số lượng giao dịch lại không nhiều, thanh khoản kém. Điều này góp phần khiến các ngân hàng liên tục rao bán tài sản thế chấp là bất động sản, thậm chí "đại hạ giá" vẫn chưa bán được. Trong khi đó, sàn giao dịch nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) dù đã đi vào hoạt động gần 1 năm nhưng lại chưa hoạt động như kỳ vọng.
Bất động sản khủng tiếp tục được rao bán nợ
Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng MB (MBAMC), công ty trực thuộc ngân hàng MB thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá 8 bất động sản tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau với giá khởi điểm 33,4 tỷ đồng.
MB cho biết, hai khách hàng cá nhân của ngân hàng là ông Nguyễn Hy Vọng và bà Nguyễn Thị Mầu đã thế chấp các tài sản thuộc quyền sở hữu cho MB chi nhánh tỉnh Cà Mau. Hiện ông Vọng và bà Mầu đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ và không có khả năng thực hiện theo nghĩa vụ hợp đồng tín dụng đã ký kết, do đó MB đã bàn giao tài sản đảm bảo cho MBAMC toàn quyền xử lý theo quy định để thu hồi nợ.
Nợ xấu vẫn đang đè nặng lên vai các ngân hàng. |
Trước đó, đầu tháng 8, MBAMC cũng có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá 5 bất động sản tại tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích gần 2.000 m2. Cả 5 tài sản đấu giá đều là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.
Trong khi đó, BIDV chi nhánh Hậu Giang cũng thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá khoản nợ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Duy Danh. Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là toàn bộ gốc, lãi và phí tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá, tính đến 30/6 tổng dư nợ tạm tính của Công ty Duy Danh tại BIDV là gần 50 tỷ đồng.
Trước đó, BIDV chi nhánh Đại La (Hà Nội) cũng có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư và bán lẻ BT với giá khởi điểm 250 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ gồm nhiều bất động sản tại một số quận trên địa bàn Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình... trong đó có hai lô đất tại mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam.
Hay như từ đầu tháng 8 đến nay, Vietcombank có nhiều thông báo bán đấu giá loạt bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP HCM. Tương tự, Agribank có nhiều thông báo bán đấu giá, tìm đơn vị tổ chức bán đấu giá, xử lý tài sản tại TP HCM để thu hồi nợ. Các tài sản thế chấp có địa chỉ tại quận 1, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn (TP.HCM).
Theo giới chuyên gia, áp lực nợ xấu dồn trên vai các ngân hàng hiện nay đang rất lớn. Chính vì thế nên hoạt động rao bán nợ xấu tại các ngân hàng đang diễn ra dồn dập. Trong đó, những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt thì dễ xử lý, còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có giảm giá mạnh cũng khó bán vì tính chất phức tạp, đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể giải quyết được. Đặc biệt, đối với tài sản đảm bảo là bất động sản thì nhà đầu tư lại càng cân nhắc kỹ về pháp lý, và cả nguồn tiền để "quay vòng" khi muốn xuống tiền.
“Mặc dù Nghị quyết 42 đã được chấp nhận thí điểm kéo dài, tạo thuận lợi cho các ngân hàng tiếp tục xử lý nợ xấu, song thực tế vẫn còn nhiều quy định pháp lý phức tạp cũng khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà tham gia "chợ" nợ xấu, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay”, một vị chuyên gia nêu quan điểm.
“Chợ” đã có mà Luật chưa xong
Một trong những kênh xử lý nợ xấu là sàn mua bán nợ VAMC. Sàn này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021, được kỳ vọng đem lại "làn gió mới" trên thị trường nhưng lại chưa như kỳ vọng.
Một cán bộ xử lý nợ xấu tại một ngân hàng thương mại cổ phần có chi nhánh trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội) chia sẻ: “Sàn thành lập rồi, nghĩa là đã có chợ rồi, nhưng chưa có hành lang pháp lý. Hiện chưa có hướng dẫn về thẩm định giá trị khoản nợ, kế thừa nợ xấu, quy định về quyền chủ nợ… Bởi vậy, việc bán nợ trên sàn rất khó khăn. Các chủ thể tham gia sàn giao dịch này vẫn đang chờ hướng dẫn rõ ràng về khung pháp lý nên sàn gần như vẫn "án binh bất động". Trong quá trình chờ sàn được “khởi động”, ngân hàng chủ yếu tự xử lý nợ bằng cách đấu giá”.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sàn mua bán nợ VAMC dù đã hoạt động nhưng vẫn chưa sôi động do đang trong quá trình hoàn thiện về công nghệ thông tin, sản phẩm... Đơn vị quản lý sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp để giao dịch mua bán nợ trên sàn thuận lợi, nhanh chóng và thu hút nhiều chủ thể tham gia.
Được biết, tính tới đầu năm nay, đã có 54 đơn vị tổ chức, cá nhân là thành viên Sàn giao dịch nợ VAMC đã được cung cấp user truy cập website của sàn. Sàn giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm với khách hàng đạt tổng dư nợ hàng ngàn tỷ đồng. Sàn cũng đã tích cực tìm kiếm, kết nối các nhà đầu tư. Tuy vậy, các vướng mắc pháp lý khiến các giao dịch qua Sàn chưa thể diễn ra nhộn nhịp như kỳ vọng.
Theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Trong đó, sẽ tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, cấp bổ sung vốn điều lệ đạt mức 10.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025 để nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC.
Huyền Anh