Trong 27 ngân hàng niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM, 18 nhà băng ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng quý I năm nay cao hơn năm ngoái. Trong số đó, nhiều cái tên trong top đầu ghi nhận mức tăng tính bằng lần.
Ngân hàng quốc doanh gây bất ngờ
Thay đổi đáng kể nhất phải kể tới nhóm ngân hàng quốc doanh. Quý I năm ngoái, VietinBank gần như không tăng trưởng tín dụng, mức tăng của Vietcombank chỉ 3,8%, còn BIDV là 1,6%.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh từ quý II/2022. |
Tuy nhiên, sau ba tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng VietinBank đạt tới 8,7%, theo sau là Vietcombank với 7,1%, còn BIDV tăng trưởng cho vay 4,7%.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, năm nay nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi. Với Vietcombank, nếu tính lũy kế tới 5 tháng đầu năm, nhà băng này tăng trưởng tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%. Nói cách khác, dư địa để các nhà băng có thể cho vay đã gần tới hạn dù hoạt động chưa hết nửa năm.
Theo nhận định của các chuyên gia SSI Research, con số này đánh dấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chưa từng có tại các ngân hàng quốc doanh, với động lực là các khoản cho vay ngắn hạn.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, tăng trưởng tín dụng cũng gần chạm trần. Đơn cử như tại ACB sau 4 tháng đầu năm ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng 8%, trong khi đó hạn mức được cấp là 10%. Tương tự MB cũng cho biết đầu năm ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng là 15%. Tuy nhiên đến hết quý I, tín dụng của nhà băng này đã tăng 14,3%, so với mức tăng 8,6% cùng kỳ năm trước.
Một số nhà băng khác như: HDBank tăng trưởng cho vay với biên độ hơn gấp đôi. Eximbank, Sacombank, TPBank, VPBank hay SHB cũng trong tình trạng tương tự.
Các ngân hàng nhận định tín dụng bắt đầu tăng mạnh từ đầu quý II. Tại Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, được NHNN tổ chức mới đây, đại diện BIDV, VietinBank cũng nhắc tới vấn đề tăng trưởng tín dụng khi NHNN bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, bởi theo lãnh đạo các nhà băng này, nhu cầu vay vốn có thể còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới khi lãi vay được hỗ trợ.
Vì vậy, các ngân hàng hy vọng sẽ được cấp thêm hạn mức tín dụng để tiếp tục cho vay ra nền kinh tế. Chẳng hạn, ACB đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay để có thêm dư địa cho vay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room.
Tính đến cuối tháng 5/2022, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021.
Ngân hàng nào sẽ được nới room?
Một số ý kiến lo ngại, việc nới room sẽ làm tín dụng tăng trưởng nóng đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Tuy nhiên, theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, để kinh tế phục hồi tốt hơn thì việc mở tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng sẽ có lợi cho khách hàng và doanh nghiệp. Việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát nếu như việc điều phối của NHNN tiếp tục linh hoạt.
“Nới room tín dụng không phải dễ dàng với tất cả ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay. Bên cạnh đó từ trước tới nay, nguyên tắc của NHNN là những ngân hàng nào không sử dụng hết room tín dụng sẽ được chuyển sang cho ngân hàng khác”, ông Thịnh nói.
Vậy những ngân hàng sẽ được nới room tín dụng? Trong giai đoạn cuối năm, SSI Research cho rằng Vietcombank và MB có thể có lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm nay, do hai ngân hàng này có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng "0 đồng".
Chẳng hạn, với việc tiếp nhận bắt buộc tổ chức tín dụng, các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng nhiều khả năng MB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao với mức room tín dụng ước tính khoảng 30-35%.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, những ngân hàng tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất cũng sẽ được NHNN nới room tín dụng. Nói về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã tính tới trường hợp nới "room" tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.
Một yếu tố nữa để cơ quan quản lý xem xét cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đó là dòng vốn cho vay có đi đúng hướng không. Chẳng hạn, tại VietinBank đã gần đạt hạn mức tín dụng được cấp ban đầu vào cuối tháng 3 với việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có số dư trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục mở rộng”.
Như vậy, với những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay ở một số lĩnh vực rủi ro cao sẽ khó có cơ hội được nới room trong thời gian tới. Phải chăng đây cũng chính là lý do một số ngân hàng thời gian gần đây đã “phanh gấp” giải ngân các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản.
Huyền Anh