Hiện nay, dư luận rất quan tâm đến việc có ngân hàng nào cho 4 công ty là CTCP Dream Republic, CTCP Sheen Mega, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là các doanh nghiệp trúng đấu giá Thủ Thiêm, TP.HCM vay vốn để đặt cọc giá đất?
Lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đấu giá thành công ở mức 24.500 tỷ đồng nhưng Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc. (Ảnh: Int) |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức thông tin: Sau khi NHNN gửi văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về hoạt động cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, đến nay hầu hết các ngân hàng đã có báo cáo. Chỉ còn một vài ngân hàng xin báo cáo muộn.
Song song với báo cáo từ các ngân hàng, NHNN cũng rà soát trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC). "Qua rà soát đến nay không có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm", ông Du cung cấp thông tin.
Trước đó, VnBusiness đã đưa tin, sau buổi đấu giá đất Thủ Thiêm, Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, đã gửi văn bản yêu cầu một số ngân hàng rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu, đầu tư trái phiếu… đối với các khách hàng tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau chỉ đạo trên, Vietcombank đã có văn bản cho biết tính đến ngày 7/1/2022, ngân hàng này chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM.
Sau Vietcombank, SHB là ngân hàng tiếp theo lên tiếng khẳng định, không cấp tín dụng cho các khách hàng để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.
Mới đây, tại Chỉ Thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Chia sẻ với báo chí tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay, riêng với tín dụng bất động sản, chứng khoán sẽ siết chặt hơn so với năm 2021. Ngành ngân hàng sẽ có hội nghị chuyên đề về kiểm soát tín dụng vào bất động sản, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Về tín dụng bất động sản, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết tín dụng bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng những năm gần đây, từ mức 26% của năm 2018 xuống 11,89% năm 2020.
Tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với năm 2020. Tỷ trọng tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản. NHNN đã có chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn.
Thanh Hoa