Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cũng đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Có thể thấy, dịch vụ thanh toán di động hiện đang "phổ cập" trong mọi lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt với hơn 60% người sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng thanh toán trên di động để thực hiện giao dịch.
Thị trường thẻ sắp được "chip hóa"
Phương thức thanh toán này không chỉ được sử dụng trong các giao dịch chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng học phí, mà đã được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch nhỏ lẻ hàng ngày như thanh toán tiền taxi, cà phê, trà sữa…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ năm 2018 đến nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch qua internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý các giao dịch giá trị tương ứng gần 20,7 triệu tỷ đồng, tăng 23% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết để có được kết quả tăng trưởng này, thời gian qua, các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào thanh toán, được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng.
Điểm đáng chú ý là gần đây, các ngân hàng liên tục đầu tư công nghệ mới vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Lãnh đạo ngân hàng Vietcombank chia sẻ: "Ngoài cung cấp thanh toán banking, quẹt thẻ, hiện nay, công nghệ đăng nhập và xác thực bằng sinh trắc học (finger ID, Face ID), thanh toán bằng mã QR cũng đang được ngân hàng triển khai mạnh".
Trong đó, các ngân hàng dần chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng. Ước tính đến cuối năm có ít nhất 21 triệu thẻ từ được chuyển đổi thành thẻ chip.
Thông tin từ NHNN cho biết, cuối tháng này sẽ có 7 ngân hàng đồng loạt ra mắt thẻ ghi nợ nội địa (ATM) theo chuẩn chip EMV và tiến hành đổi thẻ cho người dùng, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank và An Bình. Ngoài ra, một số nhà băng khác cũng đang đăng ký chuyển đổi với CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).
Thống kê cho thấy, trên thị trường hiện nay, số lượng thẻ ATM chiếm khoảng 70% tổng số thẻ. Như vậy, với việc chuyển đổi này, thị trường thẻ Việt Nam sắp được "chip hóa".
Đề cập về tính bảo mật an ninh mạng khi thanh toán điện tử, thẻ chíp, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho rằng: NHNN có đủ hành lang pháp lý, hạ tầng thanh toán để đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin với người sử dụng.
Thị trường thẻ Việt Nam sắp được "chip hóa" |
Sắp thoát khỏi "vùng trũng" tội phạm
"Thời gian tới, NHNN hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Với những vấn đề phát sinh trong thực tế, NHNN sẽ đề xuất với Chính phủ Đề án xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng để từ đó đưa ra hành lang pháp lý chính thức", ông Dũng nói.
Ngoài ra, đối với hoạt động thanh toán thẻ chip, tính bảo mật sẽ cao hơn rất nhiều so với thẻ từ. Việc chuyển đổi này sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi "vùng trũng" của tội phạm thẻ cũng như kích thích thanh toán bằng các phương thức không dùng tiền mặt.
Một chuyên gia công nghệ cho biết, ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa, chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ và thẻ chip không thể làm thẻ giả được. Việc chuyển sang sử dụng thẻ chip sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm đánh cắp dữ liệu để chế tạo thẻ giả nhằm rút trộm tiền.
Theo thống kê ở một số thị trường, tỷ lệ giao dịch bị giả mạo đã giảm mạnh khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip do không phải nhập mã PIN nên không lo lộ thông tin khi thực hiện giao dịch.
Đại diện các ngân hàng thương mại cũng khẳng định, thẻ chip theo công nghệ EMV nâng cao tính bảo mật so với thẻ từ rất nhiều vì tội phạm thẻ không thể sao chép được dữ liệu để chế tạo thẻ giả và rút tiền như từng làm với thẻ từ.
Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip được đánh giá là an toàn, bảo mật, an ninh, đa tiện ích, hạn chế tình trạng skimming (cách đánh cắp thông tin thẻ ATM bằng đầu đọc giả mạo) cũng như các nguy cơ mất an toàn khác như hiện nay.
Đặc biệt, thanh toán bằng thẻ chip chỉ mất 1, 2 giây nên rất phù hợp với những khoản thanh toán nhỏ như: xe buýt, taxi, cà phê, trà sữa…
Tuy nhiên, đối với những chủ thẻ có giao dịch thanh toán từ 3 lần trở lên trong ngày, để đảm bảo an toàn cho chủ thẻ, Napas đề nghị sau ngưỡng này, chủ thẻ phải nhập mã PIN để tiếp tục quá trình không xác thực chủ thẻ.
Huyền Anh